Còn TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, sinh kế bền vững cho cư dân ven biển là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế biển của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, kinh tế ngư nghiệp ngày càng khó khăn và khắc nhiệt hơn bởi sự suy giảm đáng lo ngại của nguồn lợi thủy sản, ngư trường bị thu hẹp, phí tổn những chuyến đi biển cao, thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu có nhiều đối thủ cạnh tranh với những quy định khắt khe hơn. Điều đó đã ảnh hưởng đến sinh kế, thu nhập của bền vững của cộng đồng ngư dân.
TS. Hoàng Hồng Hiệp khuyến nghị ngành thủy sản, các địa phương ven biển cần đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa các công nghệ đánh bắt và bảo quản thủy sản cho đội tàu khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản; đẩy mạnh phát triển hạ tầng và hậu cần nghề cá tại các địa phương, chú trọng chuẩn hóa các cảng cá, bảo đảm kiểm soát nguồn gốc thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu thủy sản.
"Nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng đang là thách thức lớn đối với cộng đồng ngư dân. Đặc biệt là sau sự cố môi trường biển vào năm 2016 cùng với những phát thải của con người trong quá trình hoạt động sản xuất, đời sống đã tác động rất mạnh đến nguồn lợi thủy sản ven bờ. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp bảo tồn, phát huy nguồn lợi thủy sản để tạo nguồn thu nhập bền vững người dân", TS. Hiệp đề nghị.
Tại hội thảo, các nhà khoa học còn nêu ra nhiều giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển như tăng cường liên kết phát triển dịch vụ logistics, tăng cường thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, KKT ven biển; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế thuần biển (làm muối, nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt xa bờ…), phát triển du lịch biển, khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển, nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững.