Với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình, Bộ GD&ĐT sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm. Về phía Bộ GDĐT sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt; quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài… Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phát hơn nữa, đừng quá rụt rè. Trách nhiệm của Bộ là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi ý, các cơ sở giáo dục đại học cần phát triển cả nghiên cứu và đào tạo. Phải hướng đến tư duy toàn cầu, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài nữa.
Hãy ao ước đến một ngày giảm xuất khẩu lao động giản đơn như bây giờ để nghĩ đến có một lớp người đi làm cho thế giới với nguồn thu nhập khác và tư thế khác. Nhưng cũng phải có lộ trình, không thể ào ào.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cam kết, về phía trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, sẽ chuẩn bị về thể chế, luật chơi, cái gì làm được sẽ làm ngay. Trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình.
Sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt. Nhưng phải đảm bảo niềm tin về chất lượng, không thể bỏ qua yêu cầu về chất lượng.
Tăng cường chia sẻ và dùng chung, tăng cường cả các chương trình liên kết với nước ngoài, tăng cường chia sẻ doanh nghiệp về chỗ thực tập, thực hành, đóng góp. Doanh nghiệp tăng cường đặt hàng để đào tạo chắc chắn ngay từ đầu, tránh việc phải đào tạo lại.
Về phía Bộ GDĐT sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở. Hệ thống công - tư cùng đồng hành.
Trong khuôn khổ của hội thảo, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh.
Việc ký kết hợp tác này nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.