Phát triển nền giáo dục toàn diện vì một Việt Nam hùng cường

20/11/2024 17:28

Giáo dục chính là gốc rễ của khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường. Mang trong mình vị thế "quốc sách hàng đầu" của quốc gia, giáo dục nước nhà luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ thông qua những chính sách bền vững, mở ra cơ hội học tập và phát triển cho mọi người, hướng tới một tương lai tự chủ và thịnh vượng.

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Báo điện tử Chính phủ xin gới thiệu loạt 3 bài viết với chủ đề "Phát triển nền giáo dục toàn diện vì một Việt Nam hùng cường" nhằm tôn vinh hành trình chung tay của toàn xã hội để giáo dục Việt Nam góp sức đưa đất nước vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng "Việt Nam hùng cường" năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Bài 1: Chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số - gốc rễ bền vững cho sự phát triển

Bằng những quyết sách giáo dục mang tầm vóc của Đảng và Nhà nước, diện mạo của những bản làng dân tộc thiểu số trên cả nước đã thực sự "thay da đổi thịt", góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai hội nhập và phát triển bền vững.

Chính sách hỗ trợ giáo dục - chìa khóa mở tương lai

30 năm đồng hành cùng học sinh dân tộc Giẻ - Triêng tại vùng biên giới Kon Tum bằng tình yêu thương vô bờ bến, cô Nguyễn Thị Liên, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là người thấu hiểu hơn ai hết những chính sách giáo dục mà Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Phát triển nền giáo dục toàn diện vì một Việt Nam hùng cường- Ảnh 1.
Những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Cô Liên gọi những chính sách ấy là "chìa khóa" mở ra cánh cửa tri thức, trở thành ánh sáng soi rọi tương lai của biết bao thế hệ. Trong số đó có thể kể đến Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung… quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập xác định "trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được giảm học phí 70%", Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở từng cấp học. Ngoài ra, Nghị quyết số 02-NQ/TU ban hành ngày 6/5/2021 của Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI cũng cam kết mạnh mẽ về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

"Chính sách giáo dục được triển khai đến từng buôn làng không chỉ mang con chữ đến cho học sinh dân tộc thiểu số mà còn là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn dài hạn của Đảng, Chính phủ, các cấp các ngành trong công cuộc phát triển toàn diện giáo dục Tây Nguyên. Những chính sách như nhịp cầu nối liền ước mơ của học sinh DTTS với thế giới rộng lớn, là hành trang vững chắc giúp các em tự tin hội nhập, đủ bản lĩnh và năng lực xây dựng buôn làng giàu đẹp", cô Liên bày tỏ.

Ngoài những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và địa phương, học sinh DTTS của nhà trường luôn nhận được tình yêu thương và sự quan tâm tận tình từ thầy cô. Điển hình là em Bloong Khánh, học sinh lớp 9 ở thôn Đắk Răng. Năm 2019, em mất cả bố mẹ và căn nhà duy nhất trong một vụ hỏa hoạn. May mắn, nhờ sự hỗ trợ của cô Liên và các thầy cô giáo khác, em đã có một căn nhà mới khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng để ổn định cuộc sống và tiếp tục việc học.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, TS Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum nhấn mạnh rằng, hệ thống trường lớp trong tỉnh đang dần hoàn thiện theo hướng tinh gọn, quy mô mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Những chương trình như "Sóng và máy tính cho em", "Thư viện ước mơ", phong trào "Sách cũ cho năm học mới" hay mô hình "Bán trú dân nuôi" được tổ chức triển khai hiệu quả, thiết thực. Toàn tỉnh hiện có 359 trường công lập với 164.256 học sinh, trong đó có 95.972 em là đồng bào DTTS. Năm học vừa qua, tỉnh Kon Tum đã đầu tư hơn 285 tỷ đồng xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đánh giá đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 3 và phổ cập THCS mức độ cao với 9/10 huyện đạt chuẩn mức độ 2.

Chuyển mình mạnh mẽ từ những chính sách trợ lực kịp thời

Thầy Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo; ngành giáo dục huyện đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển toàn diện cho học sinh.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giáo dục toàn diện tại vùng núi khó khăn, mang đến lợi ích thiết thực cho cả thầy và trò.

Với học sinh, các em được hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP; được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Nghị định 97/2023/NĐ-CP; được hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở và dụng cụ thể dục thể thao theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP; được cung cấp gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP; được hỗ trợ học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh khuyết tật từ Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC…Những chính sách này đã giảm bớt khó khăn về tài chính, giúp gia đình duy trì việc học cho con em, giảm tỉ lệ bỏ học và giúp học sinh phát triển bền vững.

Với giáo viên, các chế độ ưu đãi và hỗ trợ cũng giúp thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng tại vùng khó khăn, một trong số đó phải kể đến phụ cấp cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật (Nghị định 28/2012/NĐ-CP); hỗ trợ giáo viên mầm non dạy lớp ghép (Nghị định 105/2020/NĐ-CP); phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp lâu năm cho giáo viên vùng khó khăn (Nghị định 54/2011/NĐ-CP và Nghị định 76/2019/NĐ-CP); trợ cấp chuyển vùng, tham quan học tập (Nghị định 61/2006/NĐ-CP).

Phát triển nền giáo dục toàn diện vì một Việt Nam hùng cường- Ảnh 2.
Học sinh Văn Quan tích cực tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật nhằm rèn luyện kỹ năng sống, khơi gợi đam mê và khuyến khích sự sáng tạo - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Theo kết quả Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, cả nước có gần 21.600 trường học và 26.500 điểm trường tại các vùng DTTS. Trong đó, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (314 trường) và bán trú (1.097 trường) đã góp phần quan trọng vào việc đưa giáo dục đến gần hơn với trẻ em vùng sâu, vùng xa. Tỉ lệ kiên cố hóa trường học đạt trên 93%, đặc biệt 15 trường phổ thông dân tộc nội trú ở khu vực biên giới đạt tỉ lệ kiên cố hóa 100%.

Chất lượng giáo dục tại vùng DTTS cũng được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ huy động học sinh đến lớp ngày càng tăng, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Đáng chú ý, chương trình dạy song ngữ tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt đang được triển khai tại 23 tỉnh, thành phố với 8 ngôn ngữ dân tộc như: Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Bana, Êđê, Mnông và Thái. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã biên soạn sách giáo khoa chữ viết cho nhiều ngôn ngữ, giúp học sinh DTTS vừa tiếp cận tri thức, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa.

Hiện nay, tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông đạt 80,9%, với một số dân tộc có tỉ lệ cao như Ngái (96,5%), Sán Dìu (95,7%), Mường (95,5%), Tày (94,9%) và Hoa (91%).

Hệ thống 5 trường đào tạo dự bị đại học đã tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS được tiếp cận giáo dục ở trình độ cao hơn. Từ các trường này, hơn 50% học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng; 20% học trung cấp chuyên nghiệp hoặc nghề; số còn lại trở về địa phương lao động, sản xuất hoặc làm công tác xã hội. Tính đến nay, 51/53 dân tộc thiểu số đã có học sinh được cử tuyển vào đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các vùng khó khăn.

Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách giáo dục và đào tạo, đội ngũ cán bộ người DTTS đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, gần 70.000 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.

Trong đó, 17.598 cán bộ DTTS được đào tạo chuyên môn; 14.381 người được đào tạo lý luận chính trị; 7.368 người được đào tạo quản lý nhà nước; 35.457 người được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ. Đặc biệt, 99 cán bộ đã được đào tạo ở nước ngoài, mở ra cơ hội hội nhập và phát triển mạnh mẽ cho đội ngũ lãnh đạo vùng DTTS.

Giáo dục không chỉ dạy chữ mà còn xây dựng con người, đặc biệt là ở vùng DTTS - nơi mà mỗi em học sinh chính là đại diện của văn hóa và tương lai của cộng đồng mình.

Thành tựu trong giáo dục đào tạo DTTS không chỉ là câu chuyện của những con số hay các chính sách thành công, mà là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng cũng như ý chí và khát vọng vươn lên của đồng bào, góp phần tạo nên một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bài 2: Giáo dục nghề - Hướng tới mục tiêu dẫn đầu ASEAN


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/phat-trien-nen-giao-duc-toan-dien-vi-mot-viet-nam-hung-cuong-102241119153133649.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/phat-trien-nen-giao-duc-toan-dien-vi-mot-viet-nam-hung-cuong-102241119153133649.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển nền giáo dục toàn diện vì một Việt Nam hùng cường