Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF tại Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum tổ chức Ngày hội sách năm 2025.
Đưa phong trào đọc sách thành nét đẹp văn hóa
Sự kiện nhằm hướng tới Ngày sách Việt Nam 21/4/2025. Ngày hội sách nằm trong khuôn khổ Dự án Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, UNICEF và Thư viện số Toàn cầu (GDL) phối hợp triển khai, với sự tài trợ của Chính phủ Na Uy.
Dự án hướng tới cung cấp tài liệu học tập chất lượng, miễn phí cho mọi trẻ em – đặc biệt là những em ở vùng khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận sách và tài nguyên giáo dục.
Bà Đinh Thị Lan - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho hay, các hoạt động trưng bày sách theo chủ đề quê hương đất nước, kể chuyện sáng tạo, góc đọc sách cùng con dành cho cha mẹ học sinh … đã giúp học sinh thêm yêu sách, phát huy trí tưởng tượng, mạnh dạn giao tiếp và hình thành những giá trị sống tích cực.
“Dự án Thư viện số miễn phí về với tỉnh Kon Tum, mở ra chân trời tri thức rộng lớn và bổ ích cho học sinh, tạo điều kiện để các em phát triển thói quen đọc để trở thành người học suốt đời” - bà Đinh Thị Lan ghi nhận.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, sự kiện ngày hội sách trong khuôn khổ Dự án Thư viện số miễn phí là hoạt động thiết thực để hòa chung không khí Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4.
Sự kiện nhằm tôn vinh giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong đời sống tinh thần. Qua đó, khuyến khích đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong nhà trường và tại gia đình học sinh. Giúp các em biết lựa chọn những loại sách, báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao phù hợp với lứa tuổi.
Đặc biệt, trong ngày hội sách học sinh còn được tiếp cận ứng dụng “Đọc vui – Vui học” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thiết kế, dưới sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.
Các em được xem, nghe và được đọc nhiều câu chuyện hay, thú vị kết hợp cùng âm thanh, hình ảnh sống động. Đối với nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số, đây là lần đầu tiên được trải nghiệm việc đọc, xem sách truyện trên nền tảng kĩ thuật số bằng một sự tò mò và thích thú thật sự, nhiều câu hỏi cho giáo viên đã đặt được ra về những câu chuyện mà các em đã xem trên ứng dụng.
Đặc biệt, khi giáo viên lồng ghép hiệu quả ứng dụng “Đọc vui – Vui học” vào bài dạy, thì ứng dụng sẽ không chỉ là công cụ, mà còn là cầu nối dẫn trẻ đến với một thế giới học tập bình đẳng hơn.
Phát triển kỹ năng cho học sinh
Cũng trong chuỗi sự kiện này, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Việt Nam và Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình tập huấn “Sử dụng và phát triển nội dung của Thư viện số miễn phí cho học sinh Việt Nam”.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 100 giáo viên, nhân viên thư viện và cán bộ quản lý của hai bậc học mầm non và tiểu học của tỉnh Kon Tum. Chương trình tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án Thư viện số toàn cầu (Global Digital Library - GDL).
Đây là sáng kiến thuộc Liên minh Sách Toàn cầu, nhằm cung cấp tài liệu đọc và học miễn phí cho trẻ em trên toàn thế giới, bắt đầu được phát triển từ năm 2014 với sự phối hợp tổ chức "Tất cả Trẻ em đều Đọc" (ACR) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad).
Tại Việt Nam, Dự án Thư viện số miễn phí đã được khởi động từ năm 2021. Đây là kết quả hợp tác đáng tự hào giữa Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Thư viện số Toàn cầu và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), với sự tài trợ từ Chính phủ Na Uy.
Ông Đỗ Đức Lân - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho hay, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, trẻ em tiếp xúc với sách sớm sẽ phát triển nhanh hơn, xử lý thông tin tốt hơn trẻ em ít đọc sách.
Những người thường xuyên đọc sách có trình độ học vấn cao hơn và cảm giác hạnh phúc hơn so với người ít đọc sách. Từ những điểm này cho thấy văn hóa đọc mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
“Dự án Thư viện số được thực hiện hướng đến mục tiêu thúc đẩy phong trào đọc sách sôi nổi, khuyến khích sự tham gia của các em học sinh, giáo viên, nhà trường, các bậc phụ huynh. Từ đó cùng xây dựng cộng đồng đọc sách tích cực và thúc đẩy văn hóa đọc” - ông Đỗ Đức Lân nhấn mạnh.
Để tạo sân chơi sáng tạo cho học sinh phổ thông, ông Đỗ Đức Lân cho hay, năm 2025, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc thi trên toàn quốc về sáng tác truyện tranh với mục đích khuyến khích sự sáng tạo, trí tưởng tượng và năng khiếu trong hội họa, kể chuyện, và viết truyện.
Cuộc thi tập trung tìm kiếm và bồi dưỡng học sinh có tài năng sáng tác truyện tranh, từ đó thúc đẩy văn hóa đọc và nghệ thuật truyện tranh. Ông Lân mong muốn các thầy, cô giáo sẽ là những cánh tay nối dài để giúp các em biết về cuộc thi và tham gia mở ra một chân trời sáng tạo mới cho các em.
Tại chương trình, ông Đỗ Đức Lân cùng bà Lê Anh Lan, Chuyên gia Giáo dục, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã trao tặng bộ sách “Những đứa trẻ hạnh phúc” cho Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum. Bộ sách gồm 10 cuốn truyện gần gũi về cuộc sống và hành trình trưởng thành của các em nhỏ ở nhiều cộng đồng khác nhau.
Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, đọc chính là một trong những kĩ năng nền cần phải có cho học sinh.
Đây sẽ là hành trang theo các em trong suốt chặng đường trưởng thành của mình, giúp các em xây dựng các kĩ năng khác. Trong bối cảnh kĩ thuật số phát triển như hiện nay, chúng ta cần phải triển khai nhiều hoạt động để giúp học sinh phát triển các kĩ năng nền của mình.
Trong khuôn khổ chương trình sáng kiến hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF Việt Nam đã mang tới cho các em học sinh Dự án Thư viện số - một nền tảng mở, miễn phí, có chất lượng cao và dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này mới chỉ là bước đầu, vấn đề quan trọng là chúng ta cần xây dựng cho các em thói quen đọc sách và yêu thích việc đọc.
Để thực hiện được điều này, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương cho các em và cùng các em lan tỏa đến cả cộng đồng không chỉ ở 6 tỉnh đã triển khai tập huấn mà còn được sử dụng rộng rãi trong toàn quốc”.
Bà Lê Anh Lan.