Bà Đặng Thị Cẩm Tú thông tin rằng, có 2 thời điểm các trường mầm non công lập bị “hụt” sĩ số học sinh ở các lớp 5 tuổi. Đó là đầu năm học và sau Tết Nguyên đán. Nhiều phụ huynh đã cho con nghỉ học ở trường mẫu giáo để chỉ tập trung cho việc học chữ nhằm giúp con tự tin khi vào lớp Một.
Hầu hết các trường mầm non công lập đều thực hiện tốt quy định không dạy trước chương trình lớp Một cho trẻ mẫu giáo. Nhưng không ít trường tư thục “xé rào” dạy chữ cho trẻ 5 tuổi. Sự “cạnh tranh” giữa trường mầm non tư thục trong việc dạy chữ, cùng với các lớp dự thính nở rộ với mức học phí cũng chỉ tương đương với chi phí cho trẻ đi học mẫu giáo đã khiến phụ con học trước chương trình lớp Một suốt một năm học.
Các hoạt động vui chơi, học tập của trẻ mầm non 5 tuổi đều tham gia hình thành kỹ năng thích ứng với môi trường Tiểu học. |
Bà Đặng Thị Cẩm Tú cho biết, có những trường tiểu học, khi nhận hồ sơ tuyển sinh lớp Một, đã không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình mầm non. Hiện nay, các địa phương đều đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Thế nhưng, việc phổ cập cũng chỉ mang tính chất vận động trẻ ra lớp là chủ yếu và không có “chế tài” kèm theo, tối thiểu là giấy chứng hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi. Vì vậy, vẫn còn một tỉ lệ trẻ 5 tuổi ở ngoài trường mầm non, kể cả công lập và tư thục.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, các trường mầm non lâu nay đã tiến hành đánh giá trên từng trẻ.
“Việc đánh giá trẻ nhằm giúp giáo viên thấy được khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có. Đánh giá sự phát triển của trẻ phải dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ” – cô Trâm chia sẻ.
Giáo viên đứng lớp sẽ đánh giá sự phát triển của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu. Kết quả đánh giá được sử dụng để xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp. Giáo viên phải tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về hứng thú, cách thức và tốc độ học tập; chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.
Cô Thư Trâm nhấn mạnh, việc đánh giá sự phát triển của cá nhân trẻ, của nhóm, lớp không sử dụng để đánh giá thi đua, thành tích của giáo viên, của tập thể nhóm lớp. Kết quả này không sử dụng để xếp loại trẻ, không dùng để so sánh giữa các trẻ hoặc tuyển chọn trẻ vào lớp một.
Mỗi trẻ, nhất là trẻ mầm non 5 tuổi, đều có phiếu khảo sát này. Thế nhưng, khi trẻ học hết mầm non phiếu đánh giá không được chuyển tiếp lên tiểu học để giáo viên cấp học mới căn cứ tình hình phát triển của trẻ nhằm xây dựng kế hoạch học cho phù hợp. Theo cô Thư Trâm, nếu hồ sơ học sinh có phiếu đánh giá này thì giáo viên lớp Một sẽ không mất nhiều thời gian cho việc “dò đường” để đánh giá năng lực đầu vào của học sinh.