Theo ông Cao Tiến Dũng, tại Đồng Nai, các dự án FDI muốn mở rộng dự án thương mại nhưng không biết triển khai như thế nào vì không có quỹ đất. Không có quỹ đất công nghiệp cũng khiến quá trình thu hút đầu tư bị chững lại
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết Bình Phước có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạng đất khu công nghiệp thực tế trên 6.800 héc ta, nhưng được phê duyệt lại chỉ khoảng 4.000 héc ta, đề nghị Chính phủ xem xét lại.
"Hơn 2.000 đất còn lại là đất công nghiệp nhưng lại không nằm trong diện tích quy hoạch. Bình Phước mong muốn Chính phủ xem xét bổ sung thêm diện tích đất công nghiệp cho địa phương" - bà Hiền nói.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đề xuất Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp tại Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề, vì vậy cần sớm có chính sách vĩ mô để hỗ trợ đối với một số doanh nghiệp như gỗ, dệt may, giày da, điện tử...
Sau khi lắng nghe đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành của Trung ương giải trình các khó khăn và vướng mắc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng tình hình chung hiện nay ngoài tâm lý lo sợ thì những quy định còn bất cập, chồng chéo. Đây là rào cản rất lớn đến thúc đẩy tăng trưởng nhất là ở các dự án FDI, ODA, PPP. Do đó, các bộ ngành của trung ương phải kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương thu hút các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội.
"Trong vòng 10 ngày tới, tổ công tác phải tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến sửa đổi luật đất đai phải rõ ràng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.