Một lớp học bình dân học vụ năm 1945. Ảnh tư liệu |
Chủ thể thực thi chính sách: Nha Bình dân học vụ (thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Theo đó, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện. Khóa đầu tiên mang tên "Hồ Chí Minh", khai mạc ở Hà Nội sau đúng một tháng thành lập Nha, kéo dài 10 ngày.
Tiếp đó là khóa "Phan Thanh" ở Huế vào tháng 11, đặt nền móng bình dân học vụ ở Trung Bộ. Đến tháng 7/1946, khóa huấn luyện khác mang tên "Đoàn kết" dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phân tích, tổng kết thực thi chính sách: Theo sách Việt Nam chống nạn thất học, NXB Giáo dục năm 1980, với cách làm trên, chỉ trong một năm (8/1945-8/1946), phong trào bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học.
Sau 5 năm (đến 30/6/1950), gần 12,2 triệu người biết chữ. 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ. Số người mù chữ còn lại tập trung ở miền núi, vùng bị địch chiếm như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Theo tác giả, “chính sách” Phong trào bình dân học vụ là chính sách Giáo dục đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), được ban hành và thực thi chỉ vài ngày sau khi Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh của đất nước.
Thực tế, chưa có chính sách nào trong giai đoạn hiện nay được ban hành trong một thời gian ngắn như vậy và đã bỏ qua các công đoạn khảo sát, phân tích chính sách thông thường.
Có thể nhận thấy: Với muôn vàn khó khăn và bất lợi, thiếu thốn các nguồn lực cần thiết, nhưng “chính sách” Phong trào bình dân học vụ đã thành công rất lớn, toàn diện, góp phần vào sự nghiệp Giáo dục của đất nước.
Chính sách này thể hiện sự sáng suốt, trí tuệ của người đứng đầu Nhà nước – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những bài học kinh nghiệm về việc xây dựng, ban hành và thực thi chính sách Phong trào bình dân học vụ còn nguyên giá trị đối với Quốc hội và các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô hiện nay.
Nhân đây, tôi xin dẫn lại ý kiến của ông Nguyễn Phong Niên, nguyên Ủy viên thư ký Ủy ban Quốc gia Chống nạn mù chữ, thầy giáo trong phong trào bình dân học vụ những năm 1951-1953, đánh giá bình dân học vụ là phong trào quần chúng sáng tạo, linh hoạt, là nền tảng của giáo dục thường xuyên và là ví dụ điển hình cho việc học tập suốt đời mà ngày nay mọi người vẫn nhắc nhở nhau.
Ông nói: "Bác Hồ nói rất đúng rằng Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Ngay cả có nhiều trí thức giỏi mà toàn dân yếu thì cũng không được bởi không thể lấy một đội ngũ giỏi ở trên để thay thế quần chúng cực đông ở dưới được. Việc mở ra phong trào giúp toàn dân biết chữ như bình dân học vụ là đúng đắn và cần thiết, để lại nhiều bài học đến tận bây giờ”.