Học sinh căng thẳng do đâu?
Cô Nguyễn Thị Hảo, giáo viên THPT tại Thanh Hóa cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, số lượng bài kiểm tra trong năm giảm nhưng lại vô tình gây áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh về điểm số.
Hiện điểm trung bình môn học kỳ được tính theo công thức: (Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên x hệ số 1 + điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ x hệ số 2 + điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ x hệ số 3)/Tổng số điểm đánh giá thường xuyên + 5.
Do đó các bài thi giữa kỳ, cuối kỳ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập. Điều này lý giải vì sao học sinh càng ngày càng áp lực điểm số với những kỳ thi học kỳ.
Việc trộn đều, chia phòng thi theo số báo danh cũng góp phần làm tăng sự áp lực, căng thẳng của kỳ thi với các em học sinh. Tuy nhiên nữ giáo viên cũng nhận định, đây là một trong những việc làm cần thiết để hạn chế tối đa những tiêu cực trong thi cử.
Học sinh phải học tập nghiêm túc và chăm chỉ mới có thể đạt được kết quả cao trong các cuộc thi. Phương pháp thi tập trung cũng rèn cho các em quen với áp lực thi cử, để khi bước vào những kỳ thi mang tính bước ngoặt như vượt cấp hay thi tốt nghiệp không bị bỡ ngỡ, lạ lẫm.
Việc học sinh bị áp lực trong thi cử một phần lớn cũng xuất phát một phần từ phụ huynh coi trọng việc điểm số, không ngừng thúc giục và đặt cho con những mục tiêu điểm 9, 10.
"Trước sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ, những đứa trẻ không còn cách nào khác là ôm sách vở 'cày' ngày 'cày' đêm. Muốn được kết quả cao thì hẳn nhiên phải đầu tư công sức, thời gian để học bài. Vì vậy phụ huynh không thể vừa muốn con học ít mà lại mong con đạt điểm cao được", cô Hân nói.