Phụ huynh tiết lộ về tính cách "trái dấu" của 2 anh em ruột cùng đạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù có chung niềm đam mê Toán học, nhưng tính cách của hai anh em lại trái ngược với nhau.

Cùng tìm hướng giải cho một bài toán hóc búa hay ngồi hàng giờ bên bàn cờ vua "bất phân thắng bại" là niềm vui của hai anh em Nguyễn Thuận Hưng (sinh năm 2001) - người đạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế năm 2019 và Nguyễn An Thịnh (sinh năm 2005) - người đạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế năm 2023. Dù có chung niềm đam mê bất tận với Toán học, nhưng chú Nguyễn Ngọc Hà - bố của hai nam sinh, tiết lộ cả hai lại có tính cách "trái dấu" nhau.

Trước tiên là anh cả Nguyễn Thuận Hưng. Theo nhận xét của bố, Thuận Hưng có tính cách vô cùng "lãng tử" không chỉ trong học tập mà cả ở đời sống thường nhật. Khi đã ngồi vào bàn học thì học hết mình, còn khi đã chơi thì chơi hết sức. Ngoài ra, nam sinh còn dành tình cảm đặc biệt cho các hoạt động thể chất như: Bóng đá, nhảy đương đại, cầu lông, bóng chuyền...

Về thành tích học tập thì không phải bàn cãi, anh chàng đã sở hữu cho mình hàng dài huy chương, giải thưởng danh giá như: Giải Ba môn Toán trong kỳ thi HSG Quốc gia năm lớp 11, Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế năm lớp 12... Hiện tại, Thuận Hưng đang học ngành Khoa học Máy tính của trường Đại học Quốc gia Singapore với học bổng toàn phần. Kết thúc 4 năm học tập tại đây, anh chàng dự định sẽ học lên cao học.

Nhận xét về con trai cả, chú Ngọc Hà kết luận ngắn gọn: "Thuận Hưng như cầu thủ bóng đá đầy lãng tử trên sân cỏ, trong phút chốc thăng hoa là ghi bàn thắng tuyệt đẹp".

Phụ huynh tiết lộ về tính cách trái dấu của 2 anh em ruột cùng đạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế - Ảnh 1.

Thuận Hưng (đứng thứ 4 từ trái sang phải) chụp ảnh cùng đội tuyển Việt Nam trong kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế năm 2019

Phụ huynh tiết lộ về tính cách trái dấu của 2 anh em ruột cùng đạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế - Ảnh 2.

Nguyễn Thuận Hưng sau khi mang vinh quang về cho Tổ quốc

Đối ngược với tính cách của anh trai, Nguyễn An Thịnh lại dường như đằm tính hơn. Ngay từ khi còn nhỏ, nam sinh đã thể hiện được khả năng đặc biệt của mình. Chú Hà kể lại: "Lúc 20 tháng tuổi, dù nói chưa sõi nhưng An Thịnh đã biết đọc các số từ 1 - 10 rồi. Lên 3 tuổi, Thịnh đã biết đọc chữ theo kiểu nhận mặt từng chữ.

Đến nay, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh con nằm gác chân chữ ngũ rồi đọc sách của anh trai, cười khanh khách khi mới 3 tuổi rưỡi. Rồi lần khác là khi con bị ốm, vợ chồng tôi không cho con đi học. Nhưng An Thịnh vẫn cứ kiên quyết đòi đi bằng được và nói: Mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui mà mẹ".

Không ai khác, anh trai chính là người truyền động lực học tập cho An Thịnh. Cụ thể là vào năm 2019, Thuận Hưng được Huy chương Vàng IMO, khi ấy cả gia đình có ra sân bay để đón nam sinh. Chứng kiến niềm vui, sự tự hào hiện hữu trên gương mặt của mọi người trước thành tích của anh, An Thịnh đã thủ thỉ với bà của cậu rằng: "4 năm sau bà cũng sẽ được đi đón cháu như thế này". Và kể từ đó, nam sinh lao vào học Toán.

"Nói Thịnh học một cách miệt mài, say mê với toán cũng chẳng sai. Trước kia, hàng ngày con đi học rất sớm, 6h30 phải có mặt tại trường. Trong 30 phút trước giờ học, con sẽ tập trung giải quyết hết các bài tập trên lớp còn sót lại. Còn khi đã về nhà, con chỉ tập trung vào học toán, cứ liên tục như thế từ năm 2019 cho đến năm vào cấp 3", chú Hà chia sẻ.

Phụ huynh tiết lộ về tính cách trái dấu của 2 anh em ruột cùng đạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế - Ảnh 3.

Anh Thịnh (ở giữa bên trái) chụp cùng anh trai và bố mẹ

Dù nỗ lực đến vậy, nhưng hành trình để đến với tấm Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế năm 2023 của An Thịnh không hề dễ dàng, thậm chí có phần "trắc trở" hơn nhiều khi so sánh với anh trai. "Cú vấp" đầu tiên là kỳ thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Trần Phú, Thịnh bị trượt chuyên Toán, phải chuyển sang chuyên Tin.

An Thịnh khi đó đã tự "nhốt" mình trong phòng 2 ngày trời. Vì quá lo lắng, nên chú Hà đã vào phòng để hỏi han con: "Con còn muốn học toán không?" và ngay lập tức, mắt của An Thịnh sáng bừng lên và cậu nói: "Có ạ".

Chú Hà đáp: "Bố cho con cơ hội lần nữa là không lâu tới đây, nhà trường sẽ tổ chức thi đội tuyển toán, nếu đỗ bố sẽ cho con học tiếp, nếu không dỗ thì vui vẻ học Tin nhé". Thịnh vui mừng đồng ý và gần như cậu được sống lại lần nữa với niềm đam mê với Toán học.

Học chuyên Tin, cơ hội để vào đội tuyển Toán sẽ khó hơn. Nhưng với sự nỗ lực của mình, trong lần thi đội tuyển Toán khi ấy, Thịnh đã bứt phá và lọt vào đội tuyển toán thi quốc gia của trường Chuyên Trần Phú, đứng cùng các anh chị lớp 11, 12 trong trường.

Tuy nhiên, vào năm lớp 11, hành trình đến với đam mê Toán học của cậu một lần nữa tưởng chừng lại bị... bỏ dở. Trong kỳ thi Học sinh giỏi Toán Quốc gia, dù khá tự tin với bài làm của mình nhưng khi thông báo kết quả, em chỉ đoạt giải Ba và không được vào kỳ thi chọn học sinh dự thi Olympic Toán Quốc tế (TST). Thất vọng, buồn bã, nam sinh đã chuyển hướng ôn luyện tiếng Anh để đi du học. Thế nhưng, các thầy cô đã tin tưởng và động viên Thịnh phúc tra bài thi.

Niềm vui vỡ òa khi có kết quả phúc tra, Thịnh được giải Nhì Học sinh giỏi môn Toán cấp Quốc gia và lọt vào đội chọn học sinh thi Toán quốc tế (STS). Hai lần tưởng chừng thất bại không khiến An Thịnh dừng bước mà đã tiếp thêm động lực để cậu giành giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm lớp 12 và tiếp tục là tấm Huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2023 danh giá.

An Thịnh chụp ảnh cùng thầy Lê Đức Thịnh trong hành trình dự thi kỳ thi Olympic Toán học vừa rồi

Chú Hà nhận xét về hành trình vừa qua của con: "Khổ luyện thành tài, thành công không có chỗ cho kẻ lười biếng. Mong muốn của gia đình tôi là các con sẽ trở thành người đóng góp cho xã hội".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ huynh tiết lộ về tính cách "trái dấu" của 2 anh em ruột cùng đạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế