Còn tại Trường THPT huyện Mường Nhé, kỳ thi năm nay có 151 học sinh tham dự. Theo thầy Phạm Văn Hạ, Hiệu trưởng nhà trường, năm học kết thúc một số em cũng có biểu hiện xao nhãng học tập, về nhà nhưng không quay lại trường. Để ổn định công tác ôn tập và chất lượng thi cử, nhà trường đã tổ chức các đoàn giáo viên tìm đến tận gia đình học sinh.
“Chúng tôi phân công giáo viên và thành viên trong ban giám hiệu đến tận nhà để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng trường hợp. Trên cơ sở đó, động viên các em ra lớp, ổn định tâm lý. Đồng thời lập danh sách 7 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (hộ nghèo, mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ ốm đau, bệnh tật…) đề nghị hỗ trợ”, thầy Hạ chia sẻ.
Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau
Không chỉ với nhóm học sinh hoàn cảnh đặc biệt, theo thầy Hạ, do học sinh nhà trường đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế nhiều khó khăn. Bởi vậy, để có sự hỗ trợ tốt nhất, giúp các em yên tâm ôn luyện và tập trung thi cử, nhà trường đã họp, xin ý kiến phụ huynh toàn trường cùng chung tay quyên góp 50 nghìn đồng/gia đình.
“Số tiền này để nhà trường tổ chức nấu ăn cho toàn bộ học sinh tham dự kỳ thi, đảm bảo các bữa ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng. Phụ huynh cũng nhất trí phân công, cắt cử người tham gia nấu ăn cho từng bữa cụ thể. Với tinh thần là cùng cộng đồng trách nhiệm, vì con người hôm nay và ngày mai mọi người cũng sẽ vì con mình”, thầy Hạ nói.
Theo thống kê từ ngành Giáo dục Điện Biên, kỳ thi năm nay địa phương có trên 6.400 học sinh tham dự. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, cho hay: Ngành đã rà soát, lập danh sách học sinh tham dự kỳ thi có hoàn cảnh khó khăn để lên phương án hỗ trợ.
“Theo kết quả rà soát có 154 thí sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ. Trong đó, 100 em được Ủy ban MTTQ tỉnh nhận giúp đỡ. Ngành Giáo dục trích ngân sách hỗ trợ 54 em còn lại, với số tiền là 300 nghìn/em/3 ngày tập trung thi. Khoảng 400 thí sinh khác có hoàn cảnh khó khăn ở mức độ thấp hơn đang được các nhà trường phối hợp cùng đoàn thể địa phương hỗ trợ bằng nhiều hình thức”, ông Đoạt chia sẻ.
Ngoài số học sinh trên, theo ông Đoạt, các địa phương và cơ sở giáo dục có học sinh tham dự kỳ thi trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Việc đồng hành dựa trên điều kiện thực tế địa phương và hoàn cảnh từng em. Ngành Giáo dục cũng phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, cơ quan, đơn vị trên địa bàn để huy động nguồn lực hỗ trợ các em ôn thi, dự thi. Tất cả trên tinh thần đảm bảo không có thí sinh nào phải bỏ thi do khó khăn về kinh tế.