(GDTĐ) - Chính phủ vừa ban hành hai nghị quyết quan trọng – Nghị quyết số 125/NQ-CP và 126/NQ-CP – mở đường cho việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên toàn quốc trong năm 2025. Trong đó, lĩnh vực giáo dục nằm trong số các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp với nhiều thay đổi căn bản, đặc biệt là việc tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, sau sáp nhập, cả nước sẽ còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm hơn 6.700 xã, phường so với trước. Việc tổ chức lại bộ máy quản lý và đơn vị sự nghiệp công lập tại cấp xã và cấp tỉnh được triển khai theo hướng tinh gọn, hiệu quả nhưng không làm gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ công, đặc biệt là trong giáo dục và y tế.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là mô hình tổ chức mới sẽ chính thức không còn Phòng Giáo dục và Đào tạo (Phòng GD&ĐT) cấp huyện. Theo phương án tổ chức mới, các trường công lập ở bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở sẽ được giữ nguyên và chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý. Đây là bước thay đổi mang tính chất phân cấp mạnh mẽ, nhằm trao quyền và tăng tính tự chủ cho địa phương trong việc điều hành giáo dục cơ sở.
Trong khi đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên – trước đây thuộc UBND cấp huyện – sẽ được chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Các đơn vị này sẽ được tổ chức lại để cung ứng dịch vụ theo địa bàn khu vực, có thể theo mô hình liên xã hoặc liên phường, bảo đảm tính hiệu quả và đồng đều trong phân bổ nguồn lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong công văn số 1581 gửi các địa phương, đã đề nghị các tỉnh thành thực hiện rà soát và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực giáo dục một cách khoa học, đảm bảo hoạt động hành chính trong ngành giáo dục diễn ra thông suốt, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên và người dân.
Việc phân cấp quản lý sẽ được thực hiện theo nguyên tắc “giao đúng, đủ và trúng” cho các cơ quan chuyên môn có năng lực. Bộ cũng đặc biệt lưu ý không được để xảy ra tình trạng chia cắt, bỏ sót các nhiệm vụ quản lý chuyên môn, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục quốc dân trên toàn hệ thống.
Đáng lưu ý, toàn bộ các nội dung chuyên môn về công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ giáo viên sẽ được thống nhất giao về Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp xử lý hiệu quả tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ giữa các khu vực trong tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Việc tổ chức lại hệ thống trường học và các đơn vị giáo dục trong bối cảnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ là điều chỉnh về mặt quản lý, mà còn là cơ hội để xây dựng một hệ thống giáo dục hiệu quả, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và sự đồng thuận của toàn xã hội.