Chuyên gia đã chỉ ra một số điểm khác biệt giữa đánh giá tiếp cận nội dung (kiến thức, kỹ năng) và đánh giá tiếp cận năng lực. Theo đó, đánh giá theo hướng tiếp cận nội dung thường sử dụng bài kiểm tra trên giấy, thực hiện vào cuối một chủ đề, một chương, học kỳ...; chú trọng và điểm số; nhấn mạnh sự cạnh tranh; tập trung vào kiến thức hàn lâm và quan tâm đến mục tiêu cuối cùng của việc dạy học.
Trong khi đó, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực sử dụng nhiều bài kiểm tra đa dạng (giấy, thực hành, sản phẩm dự án, cá nhân, nhóm…) trong suốt quá trình học tập; chú trọng vào quá trình tạo ra sản phẩm, chú ý đến ý tưởng sáng tạo, chi tiết của sản phẩm để nhận xét; nhấn mạnh sự hợp tác; quan tâm đến phương pháp học tập, rèn luyện của học sinh; tập trung vào năng lực thực tế và sáng tạo…
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT cũng quy định đa dạng các hình thức đánh giá. Theo đó, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Đánh giá định kỳ được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học cũng yêu cầu sử dụng đồng bộ, hài hòa các phương pháp đánh giá: Phương pháp quan sát, đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; vấn đáp và kiểm tra viết.
Sử dụng phong phú, hợp lý các hình thức kiểm tra, đánh giá đòi hỏi thầy cô phải mất nhiều công sức, trí tuệ, thời gian hơn, nhưng đây là việc buộc phải làm, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Hoạt động đánh giá càng phù hợp, người dạy càng thu được thông tin tin cậy và có giá trị; từ đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học.