Quả ngọt từ những nỗ lực

18/08/2023, 12:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục đã đạt được kết quả đáng ghi nhận ở tất cả cấp học.

Để tạo nên những “trái ngọt” có sự đóng góp của mỗi nhà trường, thầy cô giáo và sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương.

“Một bàn tay không tạo nên tiếng vỗ”

Khép lại năm học 2022 - 2023, chị Dương Thị Ngọc, tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) hài lòng về kết quả học tập và rèn luyện của các con. Hai con chị đều đạt danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Đây là bước đệm quan trọng để các con vững bước vào năm học mới.

“Mỗi thầy, cô giáo sẽ là tuyên truyền viên giúp xã hội hiểu rõ hơn về chủ trương lớn của Đảng, Bộ GD&ĐT đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Mặt khác, cần đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, đại biểu Châu Quỳnh Dao trao đổi.

Theo chị Ngọc, có được kết quả trên, phần nhiều nhờ công sức giáo viên. Các thầy, cô đã khắc phục khó khăn, tận tâm, tận lực sát cánh cùng học trò.

Chị Ngọc thường xuyên nhận được tin nhắn trao đổi của giáo viên chủ nhiệm về tình hình học tập, rèn luyện của hai con ở trường. Các hoạt động giáo dục được đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức nhằm trang bị và bổ sung những kỹ năng còn thiếu hụt của học sinh sau thời gian dài học trực tuyến.

“Tôi thấy được sự tâm huyết, trách nhiệm của giáo viên trong từng hoạt động giáo dục, bài giảng trên lớp. Và tôi hiểu rằng, “một bàn tay không tạo nên tiếng vỗ”, vì thế mỗi giáo viên, học sinh chính là nhân tố góp phần vào thành tích chung của nhà trường nói riêng và ngành Giáo dục nói chung”, chị Ngọc bộc bạch.

Năm học 2022 - 2023 khép lại cùng nhiều kỷ niệm đẹp với Nguyễn Mạnh Tuấn (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Mạnh Tuấn đã trải qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với nhiều dấu ấn khó quên. “Mọi việc diễn ra suôn sẻ, chúng em được hỗ trợ nhiệt tình từ những chi tiết nhỏ.

Nói về điểm sáng trong năm học 2022 - 2023 thì em cho rằng, thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là một trong những điểm nhấn”, Mạnh Tuấn nhìn nhận và hiểu rằng, thành công đó có sự chung tay, góp sức của thầy, cô giáo và ngành Giáo dục cũng như các lực lượng xã hội.

A

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: TG

Quyền đi học của trẻ em được bảo đảm

Nhấn mạnh, thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được xã hội ghi nhận, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV nhìn nhận, điều đó khẳng định thành quả của quá trình đổi mới tổ chức kỳ thi cũng như những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua.

Đáng chú ý, chuyển đổi số trong giáo dục và các phương pháp, hình thức giáo dục mới đã được nhà giáo, nhà trường áp dụng sáng tạo, linh hoạt. “Đặc biệt, ở các địa phương, quyền đi học của trẻ được đảm bảo và không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, bà Mai tâm đắc.

Bước vào năm học 2023 - 2024, đại biểu Châu Quỳnh Dao mong muốn, ngành Giáo dục, đào tạo đã, đang đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng nguồn tài nguyên mở. Qua đó, nhằm thích ứng với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; phù hợp với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

“Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên toàn bộ quy trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Đây là bước đột phá về chuyển đổi số và là một trong những nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đại biểu Châu Quỳnh Dao viện dẫn.

Tán thành với kết quả tích cực của ngành Giáo dục trong năm học 2022 - 2023, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhất là trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này đã góp phần thúc đẩy giáo dục và đào tạo phát triển đúng hướng.

Nhắc lại Luật Giáo dục 2019, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Theo đó, ngân sách Nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, qua các số liệu báo cáo, thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số địa phương đạt trên 20%.

“Số liệu trên chưa như kỳ vọng, song trong bối cảnh còn không ít khó khăn, thách thức và nhiều lĩnh vực phải làm, phải lo, chúng ta phần nào có thể hiểu và thông cảm. Điều quan trọng là, dù khó khăn nhưng nhiều địa phương vẫn ưu tiên, dành nguồn lực không nhỏ cho giáo dục, đào tạo để xây mới trường học, dành quỹ đất cho giáo dục, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đặc biệt, một số địa phương còn có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút và giữ chân giáo viên giỏi”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ghi nhận.

Bước vào năm học 2023 - 2024, đại biểu Châu Quỳnh Dao mong muốn, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu với Chính phủ để có chính sách, giải pháp căn cơ về phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đồng thời tập trung hoàn thiện chính sách liên quan đến giáo viên, đặc biệt là chú trọng xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các thầy, cô. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

Ngoài ra, ngành Giáo dục và các địa phương cần tập trung triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Quyết tâm thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trên tinh thần đó, cần tiếp tục quán triệt sâu rộng để cán bộ, giáo viên, nhân dân hiểu đầy đủ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngày 18/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tổng kết năm học 2022-2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024; đại diện các địa phương, cơ sở giáo dục sẽ có có các tham luận về kinh nghiệm, thực trạng và giải pháp nhằm triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; đại diện các Bộ, ngành cũng sẽ có các chia sẻ trong việc phối hợp với ngành Giáo dục…

Bài liên quan
Loại quả ngọt mát hạ nhiệt mùa hè rất nhạy, lại bổ máu, bổ xương, nhưng người đường huyết cao nên hạn chế
Đây là loại quả được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong các món ăn giải nhiệt mùa hè.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quả ngọt từ những nỗ lực