Quá tải nếu lạm dụng ứng dụng CNTT trong dạy, học

29/10/2023, 12:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công nghệ thông tin (CNTT) trở thành phương tiện không thể thiếu của quá trình đổi mới phương pháp dạy học.

Qua đó góp phần làm giờ học sinh động, tạo hứng thú cho người học trong tiếp nhận kiến thức. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây áp lực cho học sinh, nặng nề trong dạy và học.

Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng

Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM) cho rằng con người là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công việc ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy. Do đó, nhà trường đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ giáo viên, nhất là thầy cô lớn tuổi.

Thời gian qua, Trường THCS Lương Định Của thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng máy tính, phần mềm tin học do giáo viên CNTT và một số thầy cô có kỹ năng tốt về tin học của trường hướng dẫn.

Hình thức là trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau, tập trung chủ yếu vào các kỹ năng giáo viên cần sử dụng trong quá trình soạn giảng hằng ngày như: Bước soạn bài trình chiếu, phần mềm thông dụng, cách sử dụng máy chiếu, thiết kế bài kiểm tra… Cùng đó, thầy cô có chuyên môn định hướng cho giáo viên ý thức sưu tầm tài liệu hướng dẫn ứng dụng CNTT hiệu quả; bộ phận chuyên môn nghiên cứu chọn lọc, photo phát cho thầy cô.

“Bằng cách làm này, nhà trường có nhiều tài liệu hay, dễ thực hành cho giáo viên như: Hướng dẫn soạn giáo án PowerPoint, sử dụng máy chiếu... Đáng mừng, việc dạy học trực tuyến hay ứng dụng công nghệ được áp dụng và duy trì, giáo viên (đặc biệt thầy cô lớn tuổi) đã chuyển biến nhận thức và xem đó như xu thế chuyển đổi của giáo dục hiện đại.

Qua đó, giáo viên tạo không khí thoải mái, hứng thú học tập khi đưa ra vấn đề liên quan nội dung bài học để học trò nêu quan điểm, bày tỏ chính kiến. Các thầy cô còn kết nối Zalo, Facebook với phụ huynh để chung tay giám sát, đôn đốc các em học tập”, cô Hiếu chia sẻ.

Còn theo thầy Lê Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), Chương trình GDPT mới với mục tiêu phát huy tối đa phẩm chất, năng lực người học. Do vậy, ứng dụng CNTT vào dạy học mới có thể phát huy yếu tố quan trọng, cần thiết cho học sinh; đặc biệt, giúp các em tiếp cận nguồn kiến thức mở.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên gia giáo dục, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên gia giáo dục, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu.

“Trường có nhiều thuận lợi để từng bước hoàn thiện, nâng cấp, phát triển ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy như trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên dần nâng cao trình độ công nghệ... để theo kịp với xu thế số hóa.

Không những vậy, công tác bồi dưỡng, đào tạo khi vận dụng CNTT cũng thuận lợi hơn qua việc tận dụng kho dữ liệu, tài nguyên. Trong không gian mở, môi trường số hóa giúp học sinh dễ dàng thay đổi không khí học tập. “Đặc biệt, để phát triển kỹ năng sử dụng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên, nhà trường thường xuyên tập huấn để thầy cô sử dụng thành thạo hơn”, thầy Thắng chia sẻ.

Hằng năm, Trường THPT Đắk Ơ có kế hoạch nâng cao nhận thức cán bộ, giáo viên, nhân viên về đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy qua sinh hoạt, hội thảo chuyên đề, dự giờ thăm lớp nghiên cứu bài học và triển khai các cuộc thi có ứng dụng CNTT do bộ, ngành tổ chức.

Ngoài ra, giáo viên phụ trách CNTT cũng sưu tầm, hỗ trợ cài đặt ứng dụng các phần mềm dạy học, quản lý cho cán bộ, giáo viên; tăng cường viết và áp dụng sáng kiến ứng dụng công nghệ vào dạy học... Từ đó góp phần nâng cao trình độ CNTT giáo viên toàn trường; giúp người dạy theo dõi học tập và thực hiện ứng dụng công nghệ thuận lợi, đặc biệt với giáo viên lớn tuổi.

“Với sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, nỗ lực không ngừng của tập thể sư phạm nhà trường, đến nay, 100% giáo viên có thể soạn giảng mức thành thạo và sử dụng hiệu quả thiết bị, hỗ trợ phục vụ công tác chuyên môn. Để ứng dụng CNTT vào giáo dục ngày càng tốt hơn, mong rằng việc cấp, hỗ trợ kinh phí sẽ tăng lên giúp nhà trường có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Mặt khác, cần tăng cường tập huấn nhằm tận dụng tối đa khả năng ứng dụng công nghệ số của giáo viên”, thầy Thắng mong muốn.

Giờ học của học sinh Trường THCS Nguyễn Du.
Giờ học của học sinh Trường THCS Nguyễn Du.

Sư phạm phải dẫn dắt công nghệ

Thầy Võ Kim Bảo - Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) chia sẻ, có tiết dạy, giáo viên trình chiếu cho học sinh quá nhiều thông tin, hình ảnh, số liệu khiến các em “quá tải”, giảm hiệu quả giờ dạy. Đôi khi, giáo viên “cháy giáo án” bởi không thể rút gọn nội dung trình chiếu. Hơn nữa, việc lạm dụng âm thanh, hình ảnh… dễ làm người học khó tập trung vào nội dung bài học.

“Thời gian lẽ ra phải dành cho học sinh suy nghĩ, tư duy, thảo luận nhóm thì sử dụng vào việc nghe và quan sát. Kết quả là, thầy cô chuyển từ hình thức đọc chép trước đây sang nhìn chép, chiếu chép nên hiệu quả tiết dạy không cải thiện.

Mặt khác, công cụ hiện đại không hỗ trợ người dạy hoàn toàn trong các bài giảng; không phải bài nào cũng cần sử dụng giáo án điện tử. Phương pháp dạy học hiện đại không hoàn toàn xa rời truyền thống. Người thầy phải có khả năng sư phạm tốt, biết kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại để tổ chức hoạt động dạy, học đạt kết quả cao”, thầy Bảo chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, bà Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên gia giáo dục, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty TNHH tư vấn và phát triển giáo dục InnEdu tại TPHCM chia sẻ, trong tiết dạy nếu giáo viên lạm dụng công nghệ sẽ làm học sinh mất tập trung. Khi đó, những nội dung, kiến thức chuyển tải không được đưa vào trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn.

“Là chuyên gia đào tạo ứng dụng CNTT vào dạy học và thực hiện việc này thường xuyên ở các lớp dạy cho học sinh, giáo viên, giảng viên, tôi khẳng định tiết dạy nếu sử dụng quá nhiều công nghệ thì hiệu quả phản tác dụng”, bà Diễm Quyên nhấn mạnh.

Theo bà Diễm Quyên, nguyên lý để lựa chọn công nghệ trong giáo dục là “sư phạm phải dẫn dắt công nghệ” chứ công nghệ không phải là “đũa thần”. Công nghệ không giúp cho quá trình dạy học trở nên tối ưu hơn, tuy nhiên phương pháp giảng dạy mới là “đũa thần” để tối ưu hóa việc dạy học. Công nghệ chỉ được xem như công cụ, phương tiện để phương pháp giảng dạy trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn.

“Sử dụng công nghệ thế nào cho hiệu quả, giáo viên có thể tìm hiểu ‘Top 100 công cụ cho học tập’ trên Google. Ở đó, mỗi năm đưa ra những công cụ hàng đầu thế giới và hỗ trợ tốt nhất việc học tập. Song, nếu giáo viên sử dụng vô tội vạ, nay sử dụng công cụ này, mai cái khác thì học sinh sẽ mất tập trung, tính hiệu quả, sư phạm không cao”, bà Diễm Quyên nhấn mạnh.

Theo bà Diễm Quyên, thầy cô nên xây dựng ra một hệ quy chiếu trong đó liệt kê các công cụ giúp khả năng tương tác, ghi nhớ, tư duy phản biện, phân tích, tổng hợp, đánh giá kiến thức… cho người học. Đặc biệt, trong một tiết học không nên đưa vào quá nhiều công cụ mà cần chú trọng đặt ra câu hỏi định hướng để phát triển năng lực tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh.

Tiết học của học sinh Trường THPT Đắk Ơ (Bình Phước).
Tiết học của học sinh Trường THPT Đắk Ơ (Bình Phước).

Đẩy nhiệm vụ cho học sinh

Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TPHCM) cho rằng, các trường không nên nhầm lẫn giữa chuyển đổi số với lạm dụng công nghệ. TPHCM đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, ở đó có giáo dục thông minh, nên chuyển đổi số để đẩy mạnh khả năng tự học, học theo hướng dẫn từ đó tạo điều kiện cho việc học trực tiếp hiệu quả hơn, có nhiều thời gian trên lớp để phát huy năng lực…

Một số ý kiến phản ánh việc giáo viên giao nhiệm vụ học tập như làm bài thuyết trình, dự án… cho học sinh mà không hướng dẫn khiến các em quá tải, theo ông Lê Duy Tân do việc làm này chưa đảm bảo nguyên tắc sư phạm và yêu cầu của nhiệm vụ dạy học.

“Giáo viên không lạm dụng CNTT trong dạy học mà phải áp dụng vào lớp, tiết học có mục đích. Đặc biệt, ban giám hiệu nhà trường cần ứng dụng CNTT vào quản lý việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, tránh việc cô A giao, thầy B cũng giao dồn một thời điểm. Như vậy, mới giúp học sinh học hiệu quả, tránh quá tải vì bài tập, dự án…”, ông Tân nhấn mạnh.

Còn theo bà Diễm Quyên, việc học sinh về nhà thiết kế bài thuyết trình rồi lên lớp trình bày không phải là dạy học chủ động, thực chất là đẩy nhiệm vụ dạy học cho học sinh. Giáo viên đang hiểu sai việc lấy học sinh làm trung tâm. Lấy học sinh làm trung tâm nghĩa là người học có nhiều kênh học tập khác nhau và được lựa chọn kênh học tập phù hợp. Từ đó, người học chủ động trong quá trình học tập và tự quyết định học gì, xây dựng lộ trình học tập cá nhân thế nào.

Em C.Q.M, học sinh lớp 12, một trường THPT tại Quận 3 cho biết: “Việc giao dự án, bài thuyết trình về nhà khiến em áp lực. Bởi, nếu một tuần có một bài thuyết trình hoặc sản phẩm học tập thì không sao nhưng có tuần 2 giáo viên bộ môn cùng yêu cầu thực hiện thì quá tải bởi chúng em phải tập trung nhiều thời gian; điều đó cũng ảnh hưởng đến việc bố trí kế hoạch học tập cho môn học khác.

Việc làm dự án, thuyết trình thái quá vừa mất nhiều thời gian, công sức, mà còn dễ xảy ra tình trạng nhóm người làm nhiều, người làm ít. Em nghĩ, hình thức làm dự án, thuyết trình nên có nhưng không quá dày đặc và có thể trải đều trong năm”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học. Môn nào, tiết nào giáo viên cũng bắt học sinh chuẩn bị bài ở nhà để vào lớp thuyết trình. Đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực, phản cảm nặng nề trong dạy và học. Giáo viên bộ môn phải phối hợp, thống nhất bao nhiêu tiết thuyết trình trong 1 tuần, 1 tháng thì vừa sức học sinh, chứ không thể lạm dụng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quá tải nếu lạm dụng ứng dụng CNTT trong dạy, học