Thêm nữa, các trường ĐH định hướng nghiên cứu, nếu có ít GS, PGS hoặc không có lực lượng giảng viên này sẽ ảnh hưởng đến việc mở ngành mới, khó hợp tác quốc tế, không thành lập được nhóm nghiên cứu chuyên sâu, không thu hút được học viên cao học và nghiên cứu sinh tài năng.
Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, tối đa không quá 5 năm, tính từ thời điểm nghỉ hưu (quy định theo Nghị định 141/2013 về thời gian kéo dài công tác tối đa không quá 7 năm đối với PGS, 10 năm đối với GS). Việc giảm thời gian kéo dài công tác sau khi đến tuổi nghỉ hưu với viên chức là GS, PGS sẽ khiến tỷ lệ này vốn đã thấp tiếp tục thấp.
Giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NTCC |
- Vậy cần những giải pháp nào để thu hút, duy trì đội ngũ chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục ĐH, thưa PGS?
- Nhà nước rất quan tâm đến hai vấn đề lớn liên quan đến chính sách sử dụng và cơ chế tài chính đãi ngộ nhằm thu hút và duy trì đội ngũ nhà giáo ĐH có chức danh nghề nghiệp bậc cao là GS, PGS để phát triển hệ thống ĐH ngang tầm thế giới và khu vực. PGS, GS được xếp ngạch giảng viên cao cấp, ngang với ngành nghề khác trong nền hành chính quốc gia là những thành tựu vượt trội của Đảng, Chính phủ.
Tuy nhiên, giải quyết hai vấn đề này đều bị ràng buộc bởi nội dung cốt lõi là, quy định của pháp luật, giảng viên ĐH công lập là viên chức Nhà nước, chịu sự điều tiết của Luật Viên chức. Nhà giáo bắt buộc phải về hưu theo luật định. Sự bó buộc trong khuôn khổ Luật Viên chức sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực có ý nghĩa quốc gia rất hiếm và quý. Do vậy, cải cách hệ thống giáo dục ĐH phải bắt đầu từ chính hệ thống pháp luật hiện hành. Chỉ có Nhà nước mới quyết định được sự lựa chọn này.
Nhà nước có thể lựa chọn phát triển hệ thống giáo dục ĐH theo hai hướng: Hoặc để thị trường quyết định chính sách sử dụng đội ngũ nhà giáo có chức danh nghề nghiệp bậc cao, hoặc kết hợp cả hai để có thể tối ưu hoá việc sử dụng này.
Nếu theo hướng để thị trường tự do quyết định, khi ấy sẽ tách rời chức danh giảng viên ĐH và viên chức Nhà nước. Giảng viên sẽ không xếp vào ngạch viên chức, mà chỉ quản lý theo Luật Giáo dục ĐH, Luật Lao động để cởi trói cho cơ chế sử dụng đội ngũ GS, PGS theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục ĐH.
Trên nền tảng đó, GS, PGS có thể được sử dụng suốt đời như ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục Việt Nam tương thích cấu trúc phát triển linh hoạt, phù hợp nhu cầu thực tiễn của thị trường, ngành Giáo dục, mỗi cơ sở đào tạo hoạt động theo quan hệ thị trường.
Khi ấy, các trường ĐH công lập phải chấp nhận cơ chế cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong sử dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, đặc biệt những trường theo hướng khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn. Nhà nước chỉ tài trợ cho trường đại học đặc thù, ngành khoa học mũi nhọn, phục vụ mục tiêu chiến lược quốc gia.
Trường hợp Nhà nước tham gia linh hoạt vào thị trường, chấp nhận sự điều tiết có định hướng và tự do của thị trường. Theo hướng này, tất cả công chức, viên chức hành chính, nhà giáo ĐH làm việc theo Luật Lao động (đến 62 và 60 tuổi). Nhà nước sẽ quản lý, điều tiết, khai thác, sử dụng nhà giáo ĐH một cách công bằng như những viên chức, công chức trong hệ thống hành chính công vụ khi họ đang trong độ tuổi lao động. Như vậy, tất cả công chức, viên chức nhà giáo đều bình đẳng như nhau, hưởng chế độ đãi ngộ, theo thang bảng lương thống nhất, và đặc biệt về hưu cùng độ tuổi.
Đây chính là công bằng trong sử dụng lao động của khu vực công. Khi ấy, khác biệt của những nhà giáo công lập sau về hưu (sau 62 và 60 tuổi) là họ được tham gia vào thị trường lao động tự do, không bị ràng buộc bởi Luật Viên chức. Đồng thời, những công chức, viên chức có học hàm, học vị cao sau về hưu cũng được tham gia vào thị trường bình đẳng như các nhà giáo ĐH đang công tác trong ngành giáo dục ĐH.
Lợi thế của chính sách này đối với các ĐH công lập là có thời gian dài nhà trường và các GS, PGS cùng hợp tác trong môi trường viên chức. Khi đó, cơ sở ĐH hiểu rõ nhu cầu đào tạo, đội ngũ chuyên ngành của mình, còn nhà giáo thì gắn bó với trường lâu dài, hiểu rõ nhu cầu của nhau sẽ dễ dàng ký kết các hợp đồng, thoả thuận theo cơ chế thị trường.
Trường ĐH công lập và tư thục sẽ tự do cạnh tranh thu hút đội ngũ nhà giáo sau về hưu. Khi ấy, trường ĐH công lập không còn lo mất đội ngũ chuyên ngành nếu nhà trường chủ động cạnh tranh thu hút và sử dụng đội ngũ nhà giáo.
Ngược lại, nhà giáo sẽ có cơ hội hợp tác với trường một cách toàn tâm toàn ý, Nhà nước cũng yên tâm không lo sợ lãng phí đội ngũ nhà giáo bậc cao. Đặc biệt các trường ĐH công lập được tự chủ, cởi trói để tự chủ sâu hơn, đúng nghĩa trong chính sách sử dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên sâu.
Quan điểm sử dụng nhà giáo có chức danh GS, PGS nên được quán triệt dựa trên triết lý giáo dục, học suốt đời thì cống hiến cũng suốt đời nếu họ còn cơ hội, đủ sức khoẻ vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp. Học, nghiên cứu suốt đời cũng chính là cống hiến suốt đời.