Tiêu điểm 24/7

Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự: Yếu tố ‘người nổi tiếng’ là tình tiết tăng

PV 11/04/2025 21:23

Vụ án kẹo Kera gây chấn động dư luận khi Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị khởi tố, còn Hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra. Qua vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của người nổi tiếng, KOLS khi tham gia quảng cáo trong thời đại truyền thông số.

Quảng cáo hàng giả phải chịu trách nhiệm ra sao?

hoa-hau-thuy-tien5-6972-4294jpg-1-6103-1461-3691-4532.jpg
Cơ quan chức năng xác định kẹo Kera là hàng giả.

Trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (Điều 193 BLHS) và Lừa dối khách hàng (Điều 198 BLHS)”, sản phẩm “kẹo Kera” được xác định là hàng giả, không có công dụng như quảng bá.

Cùng với việc khởi tố nhóm bị can Nguyễn Thị Thái Hằng (“Hằng Du Mục”), Phạm Quang Linh (“Quang Linh Vlog”) và 3 người khác về tội danh "Lừa dối khách hàng" và "Sản xuất hàng giả là thực phẩm", Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đáng chú ý, Cơ quan điều tra bước đầu xác định Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên có liên quan tới vụ án và cô đã bị tạm hoãn xuất cảnh nhằm phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bị xử phạt 140 triệu đồng, còn Thùy Tiên bị phạt 25 triệu đồng liên quan vụ quảng cáo sai sự thật về kẹo rau củ Kera.

Từ vụ việc nêu trên, trao đổi với PV Tiền Phong về các vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi quảng cáo sai sự thật, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho rằng, vụ việc kẹo Kera là hồi chuông cảnh tỉnh cho KOLS, Influencer – những người có ảnh hưởng lớn tới hành vi tiêu dùng của công chúng.

"Họ cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm chứng thông tin sản phẩm, xem xét hồ sơ pháp lý, tránh vô tình trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi lừa đảo hoặc buôn bán hàng giả. Đồng thời, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về trách nhiệm quảng cáo trên nền tảng số, có cơ chế xác minh sản phẩm, kiểm soát nội dung livestream, tăng cường hậu kiểm để bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường kinh doanh số ngày càng phát triển"- luật sư Ngô Ngọc Diễm nhấn mạnh.

Luật sư Ngô Ngọc Diễm cảnh báo, người có hành vi quảng cáo gian dối có thể bị xem xét trách nhiệm theo Điều 197 BLHS. Điều khoản này được áp dụng khi một cá nhân có hành vi: Quảng cáo sai lệch về hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức quảng cáo khác. Trong đó, hành vi quảng cáo gian dối là hành vi cung cấp các thông tin sai lệch không đúng với chất lượng, hình thức... vốn có của hàng hoá dịch vụ nhằm mục đích bán được hàng hoá, cung cấp được dịch vụ cho người tiêu dùng.

“Thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ phải đảm bảo trung thực, chính xác rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng” - luật sư lưu ý, hành vi quảng cáo gian dối nêu trên là hành vi vi phạm nội dung quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo.

ngo-ngoc-diem-9596-6589.jpeg
Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm

Thứ hai, hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về hành vi này, chưa được xoá án mà còn vi phạm mới cấu thành tội phạm. BLHS năm 2015 đã bỏ quy định tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” so với BLHS năm 1999, trong cấu thành cơ bản của “Tội quảng cáo gian dối”.

Ngoài ra để một cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi quảng cáo sản phẩm hàng giả, cần chứng minh rõ yếu tố lỗi: "Người đó biết rõ hoặc có cơ sở để biết rõ sản phẩm là giả nhưng vẫn quảng cáo vì mục đích thương mại, từ đó giúp sức cho hành vi lừa dối người tiêu dùng".

Người tiêu dùng có thể khởi kiện

Luật sư cũng nhấn mạnh, căn cứ Điều 52 BLHS “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự”, nếu người phạm tội lợi dụng danh tiếng như một thủ đoạn hoặc phương tiện để gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Vì vậy, trong trường hợp người nổi tiếng sử dụng uy tín cá nhân để tạo lòng tin cho sản phẩm mà sản phẩm đó không đúng như quảng cáo (hoặc hàng giả) thì hậu quả và mức độ nguy hiểm cho xã hội sẽ được đánh giá cao hơn.

Nếu không đủ yếu tố để xử lý hình sự, người quảng cáo vẫn có thể bị xử lý hành chính theo Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Mức phạt từ 20 – 100 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn công dụng sản phẩm; Người vi phạm có thể bị cấm hoạt động quảng cáo từ 1 đến 2 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, người quảng cáo có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự theo Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng (sức khỏe, tài sản, tinh thần). Người tiêu dùng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ cá nhân quảng cáo lẫn tổ chức sản xuất, phân phối.

Vẫn theo Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm, nếu cá nhân có thể chứng minh mình không biết và không thể biết sản phẩm là hàng giả thì có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng cho thấy được trả thù lao cao, biết rõ hoặc bỏ qua cảnh báo về chất lượng sản phẩm, hoặc từng bị cảnh báo trước đó nhưng vẫn hợp tác, thì khả năng bị truy cứu là rất cao.

Mặt khác, hành vi thổi phồng công dụng của sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng và công dụng của sản phẩm còn có dấu hiệu của hành vi “lừa dối khách hàng” (Điều 198 BLHS).

Theo https://tienphong.vn/quang-cao-sai-su-that-co-the-bi-xu-ly-hinh-
https://tienphong.vn/quang-cao-sai-su-that-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-yeu-to-nguoi-noi-tieng-la-tinh-tiet-tang-post1732409.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/quang-cao-sai-su-that-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-yeu-to-nguoi-noi-tieng-la-tinh-tiet-tang-post1732409.tpo
Bài liên quan
Yêu cầu tiêu hủy hơn 4 nghìn hộp kẹo Kera của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty cổ phần ASIA LIFE sản xuất kẹo Kera cho Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự: Yếu tố ‘người nổi tiếng’ là tình tiết tăng