Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được bố trí không quá 2 cấp phó. Do đó, khi triển khai sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để quy định về số lượng cấp phó phù hợp, có tính toán đến mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học.
Căn cứ Thông tư 16, ngoài định mức giáo viên theo quy định, các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS được bố trí 1 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Định mức tiết dạy của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được quy định tối đa không quá 1/3 định mức tiết dạy của giáo viên theo cấp học là để đảm bảo giáo viên làm Tổng phụ trách Đội có đủ thời gian thực hiện các nhiệm vụ (đối với trường có một cấp học hoặc nhiều cấp học).
Về chế độ thâm niên nhà giáo, theo quy định của Chính phủ hiện nay, chỉ áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập. Do đó, các nhân viên trường học không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Bên cạnh đó, ngày 6/9/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó chỉ đạo “từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”. Vì vậy, Bộ GD&ĐT không có cơ sở để đề xuất phụ cấp thâm niên nghề cho nhân viên trường học như cử tri đề nghị.