Khi lập quy hoạch "thành phố mộng mơ" này hơn 90 năm trước, những kiến trúc sư người Pháp đã cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người. Tuy nhiên đến nay, chỉ với diện tích khoảng 393 km², với tốc độ gia tăng dân số cộng với khách du lịch, bình quân Đà Lạt có từ 620.000 - 650.000 người/tuần, lúc cao điểm mùa du lịch lên đến khoảng 1 triệu người. Vì vậy, thuật ngữ "thất thủ" đã không còn xa lạ với người dân thành phố, khi cao điểm xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài từ cửa ngõ thành phố đến tận sân bay Liên Khương.
Cuối cùng là chuyện của Sa Pa. Nhiều trang web du lịch đã giới thiệu với khách quốc tế hình ảnh của một thành phố cổ kính ngập tràn sương mờ và cung đường đi bộ qua ruộng bậc thang lúa chín vàng đẹp như tranh vẽ. Và họ hăm hở đến đây với kỳ vọng sẽ được ngắm nhìn những ngọn đồi thoai thoải nằm sâu trong thung lũng Mường Hoa, trải nghiệm những sản phẩm du lịch hài hòa với thiên nhiên.
Thế nhưng, thực tế lại không giống những gì tưởng tượng. Đập vào mắt họ là nhiều dự án đô thị mọc lên ồ ạt thiếu kiểm soát, đường giao thông nhỏ hẹp, chật chội, ngổn ngang, xe cộ chen chúc lẫn nhau. Lượng người đổ về quá đông khiến cho Sa Pa cũng giống như Đà Lạt, cũng quen dần với thuật ngữ "thất thủ".
Nói như vậy, không có nghĩa là phủ định những nỗ lực của các cơ quan quản lý ở các địa phương như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Bởi lẽ, nói cho công bằng, du lịch đang mang lại nguồn sinh kế không hề nhỏ cho người dân. Đơn cử, chỉ riêng trong kỳ nghỉ 30/4-1/5/2022, Sa Pa đón 98.000 lượt khách tham quan; tổng doanh thu từ khách du lịch ước tính đạt 295 tỷ đồng. Còn trong năm 2023, Sa Pa phấn đấu đón 3,5 triệu lượt du khách, với tổng doanh thu 12.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đã đến lúc các nhà quy hoạch, các địa phương và cơ quan quản lý cần thực sự phải có những giải pháp đồng bộ, thể hiện tầm nhìn trong việc quy hoạch những đô thị du lịch để tạo ra những cảnh quan hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với thiên nhiên. Không thể cứ khai thác theo tư duy "đào gốc, trốc ngọn", tàn phá thiên nhiên, lấy số lượng khách làm thước đo cho sự thành công du lịch.
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, một chủ doanh nghiệp du lịch nước ngoài có nói đại ý: Ngày nay, đôi khi, một điểm du lịch hấp dẫn không được biết tới đúng là lãng phí nhưng cũng có mặt tốt của nó. Vì ít ra nó vẫn còn nguyên vẹn. Còn nếu chúng ta khai thác không đúng cách, làm hư hỏng, thoái hóa đến mức có muốn cũng không thể nào khôi phục được thì sự tiếc nuối còn lớn hơn nhiều. Hãy nhìn ví dụ của Venice (Italia) làm bài học.
Chia sẻ này có gợi cho các nhà quy hoạch, quản lý điều gì không?