Với sứ mạng và mục tiêu nêu trên, tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn các cơ sở GDĐH trọng điểm đó là: Năng lực đội ngũ giảng viên (số lượng và tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ), tiềm lực cơ sở vật chất, thành tích đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, uy tín và tầm ảnh hưởng trong mạng lưới, sự đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vị trí xếp hạng quốc tế hoặc tiềm năng đạt được các vị trí cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Phân tích các số liệu nhiều năm về năng lực và hiệu quả hoạt động của các đại học quốc gia, đại học vùng, đại học và một số trường đại học lớn khác cho thấy, những cơ sở đào tạo này có thế mạnh vượt trội trong mạng lưới về những tiêu chí này. Phần lớn cơ sở GDĐH được đề xuất đang là trọng điểm quốc gia, được ưu tiên đầu tư hoặc đã có chủ trương đầu tư, nâng cấp trở thành cơ sở GDĐH hàng đầu, có uy tín trong khu vực.
Bên cạnh các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất định hướng phát triển trường đại học quốc tế xuất sắc, dựa trên 3 trường đại học có hợp tác liên chính phủ đã và được đầu tư với cơ chế đặc biệt. Quy hoạch lần này cũng có nhiệm vụ quy hoạch sâu, cụ thể hơn cho mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên.
Vì vậy phải đưa ra danh sách các trường đại học chủ chốt đào tạo giáo viên; trong đó có 7 trường đã tham gia Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) trong giai đoạn trước.
Có thể nói, đề xuất trong dự thảo quy hoạch tập trung đầu tư cho các cơ sở GDĐH có tiềm lực tốt, vừa có tính cấp thiết và triển vọng đạt hiệu quả cao, gắn với thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống GDĐH ngang tầm khu vực như Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định.
Giờ học của sinh viên Trường ĐH Việt Đức Ảnh: NTCC |
- Sẽ có nhiều nội dung, việc phải làm nếu dự thảo quy hoạch được thông qua. Từ đây, vấn đề đặt ra là giải pháp thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả, tránh “đầu voi đuôi chuột”, thưa Thứ trưởng?
- Rút kinh nghiệm từ việc triển khai các quy hoạch trước đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đơn vị lập quy hoạch đồng thời tư vấn đề xuất hệ thống các giải pháp và nguồn lực để thực hiện quy hoạch, theo đúng quy định của Luật Quy hoạch.
Đó là những giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; môi trường, khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác phát triển; giáo dục, tuyên truyền; hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ đầu tư; mô hình quản lý, phương thức hoạt động; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Trong số này, giải pháp về cơ chế, chính sách, huy động và phân bổ đầu tư, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch là những giải pháp căn cốt, yếu tố hàng đầu để bảo đảm triển khai quy hoạch hiệu quả.
- Vấn đề nguồn lực, tài chính vẫn là bài toán khó đối với GDĐH. Vậy theo Thứ trưởng, quy hoạch tính đến yếu tố này như thế nào?
- Giáo dục, đào tạo nói chung đã nhận được sự quan tâm đầu tư ngân sách. Tuy nhiên, nguồn tài chính công dành cho GDĐH chưa tương xứng mục tiêu phát triển quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Trong giai đoạn 2018 - 2020, dự toán ngân sách Nhà nước chi cho GDĐH đạt 0,25% đến 0,27% GDP (4,3% đến 4,7% tổng chi cho giáo dục, đào tạo).
Tuy nhiên, con số chi thực tế năm 2020 chỉ đạt 0,18% GDP, thấp hơn nhiều lần với các nước trong khu vực và thế giới. Một quốc gia có nền kinh tế phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, không thể thiếu một hệ thống GDĐH hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Muốn phát triển hệ thống GDĐH ngang tầm khu vực và thế giới không thể chỉ dựa vào cơ chế tự chủ tài chính và chính sách xã hội hóa, mà phải có sự đầu tư tương xứng từ ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển đất nước tới 2030 và 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có hệ thống GDĐH tốt nhất châu Á như Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đề ra, Nhà nước nhất định phải tăng nguồn lực đầu tư công cho GDĐH, ít nhất phải đạt tỷ trọng trên GDP bằng mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực.
Đó là giải pháp quan trọng được đề xuất trong dự thảo quy hoạch. Bên cạnh đó, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia xây dựng, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH.
- Thứ trưởng kỳ vọng gì vào việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm lần này?
- Nếu quy hoạch lần này được phê duyệt và triển khai sẽ là bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của GDĐH Việt Nam trong bối cảnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực GDĐH; kết nối quy hoạch các ngành, vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch giúp khắc phục những hạn chế, tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên, mở rộng cơ hội tiếp cận GDĐH cho người dân.
Điều mà Bộ GD&ĐT mong đợi nhất trong việc lập quy hoạch lần này là hệ thống GDĐH sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư thỏa đáng từ Nhà nước và xã hội để có thể thực hiện tốt sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững an ninh - quốc phòng đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các quy hoạch vùng, địa phương, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, cần tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa bộ, ngành và địa phương, cơ sở GDĐH và sư phạm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.