Chi nhánh Công ty CP Cảng Sài Gòn - Cảng Tân Thuận (gọi tắt là Cảng Tân Thuận) là cảng trực thuộc, chủ lực của Cảng Sài Gòn không những về sản lượng xếp dỡ hàng năm mà còn góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các chỉ tiêu mà Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) giao.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng cầu cảng khu Tân Thuận đang khai thác tốt, trong khi thành phố đang thiếu các trung tâm phân phối hàng hoá. Việc tận dụng cơ sở hạ tầng cầu cảng có sẵn để vận chuyển hàng hoá cho trung tâm này là hoàn toàn phù hợp với định hướng mới.
Việc phát triển hạ tầng cảng tại khu vực Cát Lái và các khu vực lân cận tuy thành phố đã dồn sức thực hiện nhiều giải pháp mạnh tay và quyết liệt nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu phát triển và đưa vào khai thác Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước là rất cấp thiết, Tp.HCM có thêm một cửa ngõ thứ 2 góp phần giảm tải cho các khu vực hiện hữu.
Cuối cùng quy hoạch dự án Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ , một dự án chiến lược đặc biệt quan trọng của Cảng Sài Gòn trong việc thu hút và đồng hành cùng đối tác là hãng tàu lớn nhất thế giới MSC trong việc đầu tư xây dựng và vận hành khai thác một cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực châu Á, của toàn vùng Đông Nam Bộ, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế quan trọng trong bản đồ hàng hải của thế giới.
Hội nghị lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mới đây đã thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân và đã nhận được sự đồng thuận từ các đại diện của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về kinh tế, quy hoạch, các nhà quản lý khai thác cảng biển trong và ngoài nước.
Với dự án “siêu” cảng Cần Giờ, các doanh nghiệp vận tải biển trong nước sẽ có điều kiện phát triển do nhu cầu hình thành các tuyến vận tải gom và phân phối hàng từ cảng trung chuyển, đóng vai trò quan trọng, kích thích sự phát triển, đổi mới của các doanh nghiệp cũng như hoạt động logistics, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam bộ.