Quy hoạch Thủ đô: Quyết tâm ‘hồi sinh’ các dòng sông chết

Thùy Chi | 25/04/2024, 07:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây, Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để dòng sông ô nhiễm, làm sống lại hình ảnh các dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Ngoài ra, nhiều dự án cũng được TP Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm.

Tháng 10/2016, Hà Nội đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng với mục tiêu xử lý nước thải thuộc các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì.

Đến nay, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270 nghìn m3/ngày đêm) đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến trong quý 2/2024 sẽ vận hành thử nghiệm nhà máy.

Để thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, là giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.

Cụ thể, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Liên quan đến các dự án xây dựng đập dâng trên sông Hồng, sông Đuống, TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc nâng mực nước sông Hồng sẽ giúp phục hồi cảnh quan sông Hồng. Theo ông Thắng, ở Hà Nội có nhiều dòng sông cạn trơ đáy, người dân đổ nhiều chất thải nên gây ô nhiễm. Nếu cứ để như vậy, nhiều dòng sông sẽ biến mất. Nếu triển khai đề án xây dựng đập dâng, nhiều dòng sông ở Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy sẽ lấy nước từ sông Hồng, có dòng chảy, như vậy sẽ phục hồi được cảnh quan môi trường, không chỉ cho Hà Nội mà cả vùng Thủ đô.

Trong khi đó, TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, giải pháp quan trọng nhất trong việc làm sạch sông Tô Lịch là không cho nước thải đổ xuống sông. Hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ. Hằng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Nếu không tách được nước thải, mọi giải pháp đều khó hồi sinh được sông Tô Lịch.

TS Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội đã chú trọng nhiều giải pháp tách nước thải khỏi sông Tô Lịch, thông qua việc thực hiện Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD.

Dự án này có vai trò rất quan trọng đối với môi trường thành phố, đặc biệt là việc hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên, dự án khởi công đã nhiều năm nhưng chưa hoàn thành. Theo bà An nhấn mạnh, Hà Nội cần quyết liệt thúc tiến độ dự án, xác định nguyên nhân và đề cao tính trách nhiệm tập thể, cá nhân thì mới có thể khắc phục được.

PGS, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, để có thể "hồi sinh" các dòng sông, cần xác định căn nguyên gây ô nhiễm và lượng nước thải để có giải pháp khả thi, phù hợp từng giai đoạn...

Trong khi đó, một số chuyên gia môi trường cho rằng, Hà Nội cần có cách tiếp cận tổng hợp, đồng bộ trên các lĩnh vực như: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt sông.

Song hành, TP Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, làng nghề vào khu xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường…

Theo vietnammoi.vn
https://vietnammoi.vn/quy-hoach-thu-do-quyet-tam-hoi-sinh-cac-dong-song-chet-202442423236406.htm
Copy Link
https://vietnammoi.vn/quy-hoach-thu-do-quyet-tam-hoi-sinh-cac-dong-song-chet-202442423236406.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch Thủ đô: Quyết tâm ‘hồi sinh’ các dòng sông chết