Cô trò Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) trong một giờ học trên lớp. |
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT tính đến cuối năm 2022, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Như vậy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Bởi vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo là rất cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.
Là một giáo viên đã trên 30 năm đứng lớp và chứng kiến bao đổi thay trong ngành Giáo dục, cô Phạm Thị Hường đến từ Trường THCS Phú Diễn (Hà Nội) cảm thấy rất vui mừng về việc Bộ GD&ĐT đang xây dựng Luật Nhà giáo để sớm trình Quốc hội thông qua.
Cô Phạm Thị Hường (bìa phải) - giáo viên Trường THCS Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. |
Để mỗi giáo viên yên tâm với nghề, toàn tâm toàn ý với công việc thì chế độ tiền lương cần được đảm bảo để nâng cao đời sống cho thầy cô. Có như vậy, người giáo viên mới không phải bươn chải, làm thêm nhiều nghề bên ngoài để có thêm thu nhập.
Cô Hường kiến nghị, cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng kịp thời đối với những nhà giáo tài năng, tâm huyết trong việc giảng dạy và công tác, chủ nhiệm lớp giỏi, có sáng kiến kinh nghiệm hay, giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp Thành phố…
"Luật Nhà giáo cũng cần đưa ra các quy định rõ ràng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm cho giáo viên. Nếu học sinh, phụ huynh có những hành vi thái độ bôi nhọ, xúc phạm đến người thầy sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh để làm gương cho người khác", cô Hường đề xuất.
"Hiện nay, ngành Giáo dục đang phải chịu rất nhiều áp lực từ xã hội. Mỗi thầy cô phải có bản lĩnh và lòng yêu nghề mới vượt qua được những áp lực và thách thức của nghề giáo. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý để những người làm trong ngành Giáo dục phải nghiêm túc chấp hành để góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp trong sự 'trồng người' của ngành" - cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội nói.