Ngành Giáo dục cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
Sáng 8/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi, Lê Tấn Dũng; Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Viết Lộc; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Theo báo cáo của Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ GD&ĐT đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đưa vào nội dung kiểm tra, đôn đốc trong giao ban hằng tháng, hằng quý của cơ quan Bộ; thường xuyên cập nhật phân công và tiến độ thực hiện trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi các nhiệm vụ. Qua đó, tiến độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ ngày càng cao.
Bộ đã tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và đề án quan trọng, có tác động lớn đến ngành và toàn xã hội, như:
Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo; Luật Nhà giáo, Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông;
Các đề án, nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao và đột phá đổi mới sáng tạo; các chính sách hỗ trợ người học, cải cách hành chính và chuyển đổi số và chỉ đạo các vấn đề cấp bách như tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh.
Chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh mầm non, tuyển sinh đầu cấp tiểu học, THCS, THPT năm học 2025 - 2026.
Chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong bối cảnh là kỳ thi đầu tiên dành cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời vẫn đảm bảo công tác thi cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kỳ thi đã diễn ra trong 2 ngày 26-27/6/2025, bảo đảm nghiêm túc, trách nhiệm, hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm học 2024 - 2025 cấp quốc gia, quốc tế tại Hoa Kỳ và các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam được đẩy mạnh. Xây dựng kế hoạch triển khai thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn; hình thành liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam. Công tác cải cách thủ tục hành tiếp tục được triển khai cơ bản đảm bảo.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thành công và tham dự nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương...
Những tháng cuối năm 2025, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục được dự báo có những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong nước, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi cả nước nói chung và ngành Giáo dục nói riêng phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 nói chung và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đã đề ra.
Nhìn nhận số lượng công việc trong 6 tháng đầu năm là vô cùng lớn với đòi hỏi cao và yêu cầu tốc độ nhanh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các Thứ trưởng, các cục, vụ, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ, đạt được những kết quả hết sức đáng ghi nhận, những thay đổi mang tính cách mạng.
Một số kết quả quan trọng được Bộ trưởng nhấn mạnh liên quan đến công tác thể chế (với việc thông qua Luật Nhà giáo; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân…); Kỳ thi tốt nghiệp THPT đến thời điểm này đã hoàn thành được nhiều nội dung rất quan trọng…
Khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với giáo dục – đào tạo trong giai đoạn hiện nay, theo Bộ trưởng, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn.
Nhận diện trong 6 tháng cuối năm, những thay đổi lớn thiên về điều chỉnh nội tại, thay đổi theo chiều sâu ở các cấp học, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm không bỏ sót việc, không làm đối phó, không để chạy theo công việc; cố gắng chủ động để đi trước, nhìn trước, thích ứng.
Những công việc lớn của 6 tháng tới, trước hết vẫn là nhóm việc liên quan đến công tác thể chế. Trong đó, chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Nhà giáo sau khi được Quốc hội thông qua, ban hành cùng thời điểm Luật có hiệu lực. Xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10…
Cùng với đó là nhóm các công việc chuẩn bị cho năm học mới và khai giảng năm học 2025-2026; chuẩn bị hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ GD&ĐT; triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; triển khai ráo riết 3 quy hoạch của ngành Giáo dục đã được phê duyệt; chấm thi tốt nghiệp THPT; tuyển sinh đại học...
Tăng cường giải ngân đầu tư công; một số hội nghị lớn sẽ được tổ chức; công tác truyền thông... cũng là những nội dung được Bộ trưởng lưu ý tại hội nghị.
Bộ trưởng mong rằng toàn ngành sẽ tận dụng được các lợi thế, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thực sự phát triển bứt phá, đáp ứng được kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.