Đến năm 2022, khi Tổ Công tác đặc biệt xử lý các vấn đề vi phạm đất đai, trật tự xây dựng ở Phú Quốc của UBND tỉnh Kiên Giang thành lập mới phát hiện và đề nghị UBND xã Dương Tơ xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý các bước tiếp theo.
Ông N.V.L (SN 1960, ngụ TP HCM), chủ một căn biệt thự trong số 79 căn bị xử lý, cho biết năm 2019, vợ ông đi du lịch Phú Quốc được người quen giới thiệu ông Đào Văn Quy có đất bán trong khu này.
"Khi ông Quy dẫn tôi đi xem đất, khu này đã có đường bê- tông, có điện và có hàng chục căn biệt thự đã xây xong, có người ở. Tôi mua thửa đất trống có diện tích 1.050 m2 với giá 1,1 tỉ đồng, việc mua bán chỉ bằng giấy viết tay.
Tháng 11-2019, tôi xây nhà ở diện tích 188,6 m2 và trồng nhiều loại cây ăn trái trên phần đất này. Đến tháng 4-2020, căn nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng. Suốt quá trình xây dựng không thấy ai nhắc nhở, thậm chí cán bộ địa chính cùng cán bộ thuế còn đến thu thuế xây dựng.
Bỗng dưng ngày 29-8-2022, cán bộ địa chính xã xuống lập biên bản vi phạm hành chính. Lúc này tôi mới biết đất này là của nhà nước" - ông L. bộc bạch.
Trong vụ án ông Vũ Đình Kh. và ông Lê Xuân H. thắng kiện Chủ tịch UBND TP Phú Quốc vừa qua, các ông này cũng trình bày tại tòa là mua đất của ông Đào Văn Quy từ năm 2019 để xây dựng 2 căn biệt thự (đã bị cưỡng chế).
Rất nhiều người dân đã và sắp bị cưỡng chế trong khu 79 căn biệt thự đều cho rằng họ không chiếm đất nhà nước mà mua đất từ người khác rồi xây nhà, hoặc mua lại những căn nhà đã xây xong. Việc giao dịch đều thực hiện bằng giấy viết tay, không hay biết khu đất này do nhà nước quản lý.
"Tôi nghĩ đơn giản đất ở Phú Quốc chưa có sổ đỏ là bình thường, mua bán bằng giấy tay cũng phổ biến. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng không thấy ai nói gì, cũng không có nơi nào cắm bảng cảnh báo đất do nhà nước quản lý" - ông N.V.N (ở TP HCM), chủ một căn biệt thự trong khu 79 căn xây dựng không phép, bức xúc .
Trách nhiệm thuộc về địa phương
Theo luật sư Phương Văn Thêm, Trưởng Văn phòng Luật sư Phương Gia (Đoàn Luật sư TP HCM), nếu xác định thời điểm xây dựng và hình thành 79 căn biệt thự không phép trên đất nhà nước quản lý xảy ra từ năm 2020 trở về trước mà đến năm 2022 chính quyền địa phương mới lập biên bản vi phạm để xử lý là chưa ổn.
Bởi thời hạn lập biên bản vi phạm đối với hành vi vi phạm là không quá 12 tháng. Trong vụ việc này, có trách nhiệm rất lớn từ của UBND xã Dương Tơ. Không lý nào hàng chục căn biệt thự xây dựng trên đất nhà nước kéo dài 3-4 năm mà xã không phát hiện và có động thái ngăn chặn.
"Tại thời điểm đó, địa phương thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý để hình thành 79 căn biệt thự không phép trên đất nhà nước như chỗ không người. Việc xử lý hậu quả sau này cũng còn nhiều vấn đề bất cập.
Việc cưỡng chế bằng cách cho xe cơ giới đập phá là chưa ổn, đúng ra là phải tháo dỡ. Nếu người dân phản ánh đồ đạc trong nhà bị phá hủy là đúng sự thật thì lực lượng cưỡng chế đã có dấu hiệu sai phạm trong thi hành cưỡng chế.
Vụ việc vi phạm của người dân trong khu này bắt nguồn từ sai phạm trong quản lý của cơ quan nhà nước" - luật sư Phương Văn Thêm nhận định.