Ngoài thiết kế, chế tạo, nhóm nghiên cứu đã liên hệ với giáo viên các trường tiểu học, người nước ngoài để hỗ trợ số hóa tài liệu, lên kịch bản cho các bài giảng, các hoạt động trong buổi học...
Để có dữ liệu giọng nói phù hợp với trẻ, họ cũng tìm và nhờ các học sinh người Việt tại Mỹ hỗ trợ. Nhóm nghiên cứu đã đưa robot Bonbon đến một số trường tiểu học ở Hà Nội, Bắc Kạn để thử nghiệm, lấy góp ý để cải tiến sản phẩm.
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Hà Nội, robot Bonbon đã hỗ trợ giáo viên tiếng Anh dạy học sinh hát, chơi trò chơi, dạy từ vựng, cấu trúc câu, thực hành nói với học sinh... Đại diện trường đánh giá robot có thể bổ sung những tiện ích mới, học liệu với giọng tiếng Anh bản địa chuẩn.
“Khi chúng tôi mang lên Bắc Kạn, nhà trường đã tập hợp rất nhiều giáo viên trên địa bàn đến xem. Hiện nay, một số trường cũng đề nghị tiếp tục sử dụng robot trong hoạt động giảng dạy thực tế của nhà trường”, TS Lê Đình Sơn cho biết.
Khi robot xuất hiện trong các lớp học tiếng Anh ở Trường Liên cấp Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội, các bạn học sinh đã cùng tập thể dục, múa hát, học bài, chơi trò chơi, giao tiếp với vị khách có đôi mắt tròn xoe màu xanh dương, “làn da” trắng sáng và phát âm tiếng Anh chuẩn bản xứ.
Tiết học tưởng chừng khô khan bỗng chốc biến thành một buổi vừa học vừa chơi đầy vui vẻ. Đến lúc kết thúc, nhiều học sinh vẫn lưu luyến nắm tay, chào tạm biệt và hào hứng khen ngợi người bạn mới gặp này thật “so cute” (quá dễ thương).
Hiện, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch cho các phiên bản robot tiếp theo, nếu đủ nguồn lực, hoàn toàn có thể làm được robot mềm mại hơn, tối ưu hơn, phù hợp với thực tế hơn. Nhưng chúng tôi không có đủ kinh phí. Làm thế nào để tiếp tục phát triển sản phẩm robot có thể có nhiều ứng dụng hơn và mang lại hiệu quả cao hơn trong thực tế là điều mà nhóm vẫn suy nghĩ và giải quyết.