Tôi chưa một lần được đặt chân đến Sài Gòn. Nhớ cái lần tưởng chừng như mình đã có thể chạm đến thành phố, là vào hồi tôi còn học ở Đại học Quy Nhơn.

Cũng qua Tống Phước Bảo, tôi còn biết thêm được một Sài Gòn thật dễ thương. Bảo chia sẻ “Ở Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời anh ạ!”.

Bảo cũng kể tôi nghe câu chuyện đầy tình nghĩa về việc ông bà nội chọn mảnh đất phương Nam nắng ấm này làm nơi trú ngụ. Dân tứ chiếng đến đây đùm bọc nhau lại mà sống. Có lần ai đó xích mích vì hiểu lầm, cả xóm xúm lại can. Hôm trước gây lộn, hôm sau cười xòa.

Và Bảo kể rằng, ông nội anh nói, phương Nam thuộc quẻ Ly, hành Hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh, nên nơi đây kẻ sĩ chuộng điều nghĩa, quý việc học hành; người dân siêng năng trồng trọt chăn nuôi, làm nghề thủ công và buôn bán.

Tuy nhiên, địa cực phương Nam chịu ảnh hưởng của sao Dương Châu, dương tức phát dương, chỉ tánh khí nóng nảy, bồng bột, nông nổi... nhưng hào sảng, trượng nghĩa.

Điều này cũng có điểm gì đó tương đồng với tâm hồn, cốt cách người Nghệ. Một người bạn phương Nam nữa tôi quen trong nhóm văn chương là Nguyễn Xuân Phương. Mấy lần, tôi có bài đăng báo, bạn đều nhắn báo và chúc mừng.

Rồi có cuộc thi thơ văn nào ở đâu bạn cũng động viên tôi tham gia với lời nhắn “anh tham gia nghen, biết đâu rồi anh giật giải và anh em mình có dịp gặp nhau ở Sài Gòn. Và ta tha hồ nhởn nhơ cùng phố phường nghen”.

Thế đấy, chỉ đọc những bài viết của nhau và rồi quý nhau như anh em vậy. Đó chẳng phải là cốt cách thân thiện, dễ thương của người Sài Gòn đó sao?

Sài Gòn ấn tượng với tôi còn bởi giọng nói nhẹ nhàng, dễ thương mà dường như không có nơi nào có được. Những bộ phim miền Nam bao giờ cũng cuốn hút tôi trước nhất ở cái quãng âm thanh rất riêng đó.

Những Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Săn bắt cướp… ngoài nội dung hay, hấp dẫn khỏi phải bàn thì lời thoại nhân vật là điều tôi rất ấn tượng. Nhất là giọng của những cô gái Sài thành. Nghe cứ như tiếng đàn ngọt ngào bên tai.

Cái lạ là giọng nói người Sài Gòn nó không sang trọng, điệu đà như giọng ngoài Bắc, cũng chẳng trầm lắng như giọng xứ Huế, mà nó đi vào lòng người có lẽ ở cái ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất, thật thà của truyền thống xa xưa. Cái chất Sài Gòn mê đắm người nghe.

Giống như cái truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi mà tôi được đọc từ hồi còn học cấp ba, những câu nói của Việt, chị Chiến, chú Năm cứ mê hoặc tôi. Nhất là cái đoạn hội thoại giữa hai chị em Chiến và Việt trước lúc lên đường nhập ngũ “Mai mầy viết thư cho chị Hai biết nghen?… Ừ!… Mà hồi đó má dặn chị vậy hả?… Má có biết má chết đâu mà dặn”.

Và cái cách Chiến sắp đặt đâu vào đấy mọi công việc từ chuyện thờ tự ba má đến nhà cửa, ruộng đồng gửi cho chú Năm, rồi đoạn hai chị em khiêng bàn thờ ba má chạy tắt qua dãy đất cày trước cửa… sang gửi nhà chú Năm thật cảm động.

Đọc đến đó, từ đấy cho đến bây giờ trong tâm trí tôi luôn tưởng con người miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng thật thánh thiện, dũng cảm, gan dạ và đáng yêu.

Đã hơn hai mươi năm từ ngày tôi xem bộ phim Biệt động Sài Gòn và mơ ước có một ngày được sải những bước dài trên mọi cung đường của thành phố nhưng tôi vẫn chưa một lần có dịp để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Sài Gòn trong tôi sau hơn hai mươi năm vẫn mờ ảo giữa hai miền hư thực.

Một Sài Gòn xa xưa bàng bạc như trong những thước phim đen trắng. Một Sài Gòn bao dung, nghĩa tình như trong bao câu chuyện của bạn kể. Một Sài Gòn trong tưởng tượng nhưng tôi tin là rất thật bởi một lẽ giản đơn “Sài Gòn của tôi được tưởng tượng từ những câu chuyện rất thật”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sang-tac/sai-gon-trong-tuong-tuong-Mpqxval7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sang-tac/sai-gon-trong-tuong-tuong-Mpqxval7g.html
Bài liên quan
Cấm ô tô lưu thông giờ cao điểm tuyến đường ở khu vực ga Sài Gòn dịp Tết
Từ ngày 14/1 (15 tháng Chạp) đến ngày 18/2 (21 tháng Giêng), đường Đỗ Thị Lời (đoạn từ đường Hoàng Sa đến đường Trần Văn Đang và đoạn từ Trần Văn Đang đến đường Cách mạng Tháng Tám, quận 3) sẽ cấm xe ô tô lưu thông trong khoảng khung giờ cao điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sài Gòn trong tưởng tượng