Trân quý từng phút giây
Theo giới chuyên môn, tuy có trọng lượng nhỏ nhưng não người lại tiêu thụ ôxy nhiều nhất. Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại cần đến 20%-25% lượng máu nuôi toàn bộ cơ thể. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức tại các cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ để hạn chế tối đa những tổn thương về não.
Theo BSCK1 Phan Tuấn Trọng, Khoa Cấp cứu BV Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), "thời gian vàng" để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong tầm 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.
Giới chuyên môn cảnh báo sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục thay vì đưa ngay tới BV. Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc đông y... Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.
Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị "trúng gió" và dùng những biện pháp dân gian thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được chứng minh hiệu quả bằng khoa học. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện để thực hiện các cách chữa trên sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất.
"Hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, cúng bái; uống thuốc theo truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc" - TS-BS Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo.
Những kỹ năng cứu người
Theo lãnh đạo Hội Đột quỵ Việt Nam, ngoài điều trị kịp thời, phòng ngừa đột quỵ là giải pháp quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong. Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ là người bệnh chỉ uống thuốc phòng ngừa bệnh vài tuần, vài tháng, vài năm rồi bỏ. Tuy nhiên, phải xem đây là một việc lâu dài và suốt đời, đòi hỏi cao sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân và theo dõi của bác sĩ.
Sơ cấp cứu ban đầu cho người bị đột quỵ là kỹ năng cần thiết cho mọi người. Các vấn đề cần thiết trong sơ cấp cứu ban đầu gồm: Hồi sức tim phổi (luôn quan trọng nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim), tư thế người bệnh (đặt nằm ở tư thế thoải mái nhất).
Việc vận chuyển người đột quỵ cần theo nguyên tắc: bảo đảm đường thở, tim đập; cố định để bảo vệ các bộ phận dễ tổn thương như đầu cổ, tứ chi.