Lương Văn Trường nhận giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021. |
HTX Thanh Niên Nam Đại Dương là đơn vị chuyên nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ ngành trồng lúa tại Việt Nam. Được hình thành năm 2018 với nông trại đầu tiên là Nông trại Cờ Đỏ quy mô 7ha. Tới nay, tổng diện tích của HTX là 20ha với nhiều giải pháp mới được phát triển trong đó có 3 giải pháp được đánh giá và ghi nhận như: Công nghệ sản xuất hạt giống nảy mầm siêu tốc, kỹ thuật trồng lúa không cày bừa, kỹ thuật sản xuất gạo mầm tươi.
Anh Lương Văn Trường cho biết, đây là giải pháp hoàn toàn mới trên thế giới, hiện tại chưa quốc gia nào áp dụng hoặc công bố (dựa theo tra cứu chuyên sâu từ Cục Sở hữu trí tuệ).
Giải pháp có thể áp dụng cho mọi vùng miền, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở cả Việt Nam, thế giới và cho nhiều loại hạt giống khác nhau. Công nghệ áp dụng cơ bản theo các phương thức mà một người có hiểu biết thông thường cũng có thể áp dụng, trang thiết bị sẵn có trên thị trường, dễ dàng sản xuất công nghiệp số lượng lớn.
Nói về tính hiệu quả, anh Lương Văn Trường cho rằng, sử dụng hạt giống nảy mầm sẵn giúp người nông dân giảm rủi ro khi thiên tai xảy ra (hạt giống thông thường nếu không gieo trồng kịp thời sẽ rất khó bảo quản, nhanh chóng thối hỏng phải bỏ đi); giúp người nông dân tiết kiệm tới 300.000 đồng/ha chi phí ngâm ủ hạt giống.
Việt Nam mỗi năm sử dụng khoảng 700.000 tấn giống lúa, thế giới sử dụng khoảng 16 triệu tấn. Việc áp dụng tổng thể có thể giúp riêng Việt Nam tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng, tạo ra một lĩnh vực sản xuất mới, tạo thêm hàng ngàn việc làm mới.
Anh Lương Văn Trường đã đưa hạt giống nảy mầm sẵn sử dụng trên hơn 150ha tại Nam Định, Thái Bình, Bạc Liêu. Giải pháp đang được đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.
“Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm lúa nước, ngay từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với công việc trồng lúa. Ngày đó, cánh đồng manh mún, gia đình tôi chỉ có 6 sào ruộng nhưng lại chia thành nhiều ô ruộng và rất xa nhau.
Tôi đã khát khao khi trưởng thành tôi sẽ xóa bỏ những ô thửa nhỏ để sản xuất trên cánh đồng thẳng cánh cò bay như miền Nam và công việc đồng áng sẽ được sử dụng bằng máy móc. Vừa là đam mê, vừa là thời cơ khi quê hương bước vào công nghiệp hóa, người nông dân bỏ ruộng vào nhà máy.
Tôi dễ dàng thuê được những vùng sản xuất diện tích lớn. Ngay từ đầu tôi xác định, giải pháp sản xuất mới là chìa khóa để thành công. Do đó, tôi cùng các cộng sự của mình tập trung vào nghiên cứu các giải pháp sản xuất”, anh Trường chia sẻ.