Không để lãng phí tài sản công
Ban Chỉ đạo thành phố đề nghị Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm về tên gọi của đơn vị hành chính mới và việc sắp xếp các cán bộ, công chức. Về tên gọi, theo ông Cảnh, đây là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị các đơn vị xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp, hoặc tên gọi được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị; đồng thời có phương án, cách làm phù hợp với thực tiễn tại cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất.
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị thống kê, rà soát kỹ lưỡng các phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sau sắp xếp bảo đảm phù hợp, ổn định theo đúng lộ trình đã quy định. Về nguyên tắc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ nhập nguyên trạng đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị được sáp nhập , thực hiện giảm dần theo lộ trình 5 năm.
Ban Chỉ đạo thành phố đưa ra một số phương án xử lý như: Đối với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; đối với cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, có nguyện vọng thôi việc sẽ giải quyết chế độ thôi việc, chế độ chính sách cho đối tượng này.
Thành phố cũng điều động, luân chuyển cán bộ, công chức ở những xã sắp xếp đến những xã, phường, thị trấn có số cán bộ, công chức còn thiếu để bảo đảm giải quyết hài hòa. Tuyển dụng lên cấp huyện đối với cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn. Đối với cán bộ chuyên trách, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyển dụng làm công chức, số còn lại không giải quyết được thì gộp nguyên trạng.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, quá trình thực hiện nhiệm vụ này, các địa phương phải sáp nhập cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; sau sáp nhập, bố trí hợp lý việc sử dụng tài sản công để tránh thất thoát, lãng phí.