Ngành Giáo dục có bước chuẩn bị về trường lớp, địa bàn tuyển sinh để không xáo trộn khi tiến trình trên diễn ra...
Thông tin từ UBND TP Cần Thơ, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố có 4 phường thuộc diện sắp xếp, sáp nhập thuộc UBND quận Ninh Kiều, gồm: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình. Tên phường mới sau sáp nhập dự kiến là Thới Bình, dựa trên toàn bộ diện tích và dân số của 4 phường. Phường Thới Bình sau khi sắp xếp có diện tích tự nhiên là 1,99 km2; dân số hơn 56 nghìn người.
Theo UBND TP Cần Thơ, sáp nhập 4 phường trên là cần thiết, góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội. Việc sắp xếp các phường nhằm phù hợp với Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, vào năm 2020, TP Cần Thơ cũng sáp nhập 3 phường của quận Ninh Kiều gồm phường An Hội, An Lạc và Tân An với tên gọi mới phường Tân An, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/4/2020. Các phường này sáp nhập do không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) thông tin, phòng đã có dự thảo, trình cơ quan chức năng phương án khi tiến hành sáp nhập các phường trên địa bàn. Trong đó có tính toán phương án địa bàn tuyển sinh, trường lớp; riêng đội ngũ vẫn ổn định, không có xáo trộn.
Ông Võ Hồng Lam - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều cho biết, về cơ bản không thay đổi nhiều khi sáp nhập các phường, do ngành Giáo dục quận tuyển sinh theo khu vực; khi nào khu vực điều chỉnh thì ngành Giáo dục sẽ có giải pháp phù hợp.
Theo UBND quận Ninh Kiều, trong quá trình thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập, UBND quận đã tiến hành lấy ý kiến cử tri của 4 phường và đa số đồng tình, ủng hộ việc sáp nhập. Trong năm 2025 sẽ kiện toàn tổ chức của Hội đồng nhân dân, UBND của phường Thới Bình sau sắp xếp. Đặc biệt là hoàn thành việc chuyển đổi các giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của đơn vị hành chính sau sắp xếp…
Theo chia sẻ của phụ huynh, việc sáp nhập cần thiết, giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao trình độ của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, còn những băn khoăn về giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ thông dụng hay việc học hành của học sinh có bị ảnh hưởng bởi sáp nhập...
Chị Đặng Bích Ngọc, ngụ phường An Cư (quận Ninh Kiều) cho biết: Đa phần người dân của 4 phường đồng tình với phương án sáp nhập, nhưng việc sáp nhập ít nhiều gây ra những bất cập đến việc thay đổi giấy tờ tùy thân của người dân, đặc biệt các giấy tờ thông dụng. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ, thực hiện tốt các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, phức tạp cho người dân, nhất là chuyện học của học sinh.
“Sau sáp nhập, cũng đặt ra một số khó khăn cho ngành Giáo dục, đó là một bộ phận học sinh đi học phải di chuyển khoảng cách xa hơn. Việc sáp nhập, hợp nhất các trường ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, có những trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng sau khi sáp nhập một số tiêu chí không đảm bảo điều kiện…”, chị Ngọc chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, sau khi sáp nhập các phường, khối lượng công việc sẽ rất nhiều. Do đó, quận có kế hoạch thay đổi các thủ tục hành chính, chuyển đổi thông tin của dân sự. Thời gian tới, quận triển khai công việc này để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác sáp nhập hiệu quả theo chỉ đạo của thành phố…
Quận Ninh Kiều hiện có 74 trường gồm các cấp mầm non, tiểu học, THCS. Trong năm học 2023 - 2024, phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp tại phường An Bình, xây dựng mới Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh và Trường THCS An Bình tại khu tái định cư phường An Bình, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học 2024 - 2025.
Tại phường Tân An, hiện nay Ban Quản lý dự án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng mở rộng Trường THCS Chu Văn An. Năm học 2024 - 2025, quận tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đặc biệt là Chương trình GDPT 2018. Quận cũng xây dựng và đưa vào sử dụng phòng chức năng tại Trường THCS Trần Hưng Đạo; xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học 2024 - 2025 Trường THCS An Bình.
Chia sẻ thực trạng hệ thống trường lớp, ông Trương Thế Bảo - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều cũng cho hay: Theo kế hoạch, ngành Giáo dục đang tập trung phối hợp với cơ quan chức năng, tham mưu UBND quận thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để tạo thuận lợi việc học tập cho học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục địa phương theo phương án sáp nhập các trường mầm non và tiểu học. Đề xuất lập thủ tục giao đất để đầu tư các điểm trường tiểu học; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng, thành lập mới các trường tiểu học, THCS.
Các trường đang tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do đi lại khó khăn.
Các chế độ, chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính sau sáp nhập cũng được chú trọng, quan tâm. Đồng thời, các trường sẽ tham mưu cho cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn...
TP Cần Thơ có diện tích tự nhiên hơn 1.440 km2; dân số hơn 1,45 triệu người, bao gồm: Dân số thực tế thường trú hơn 1,36 triệu người; dân số tạm trú quy đổi hơn 84,5 nghìn người. Sau sắp xếp theo phương án trên, TP Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 quận, 4 huyện); 80 đơn vị hành chính cấp xã (36 xã, 39 phường, 5 thị trấn).