Giáo dục

Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Không ảnh hưởng người học

Minh Đức Hồ 23/04/2025 11:29

Theo kế hoạch của T.Ư, đến ngày 1/7/2025 chính quyền địa phương còn hai cấp: tỉnh và cơ sở, gồm xã, phường và đặc khu (không có thị trấn). Điều này sẽ không ảnh hưởng quyền lợi người học nhưng có bất cập trong tên gọi một số trường học, cần được điều chỉnh.

Quản lý chuyên môn, tuyển dụng giáo viên giao cho cấp tỉnh

Để đảm bảo cho hoạt động giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) thông suốt, không ảnh hưởng đến quyền lợi người học, đầu tháng 4, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 1581/BGDDT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

screenshot-2025-04-23-095329.png
Học sinh lớp 9 TP.HCM trong một buổi tư vấn tuyển sinh lớp 10. Công tác tuyển sinh đầu cấp ở các tỉnh, thành năm nay dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 6. (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở GD-ĐT) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để điều tiết chung, xử lý thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường mầm non, tiểu học và THCS.

Tuyển sinh, thi tốt nghiệp hoàn thành trong tháng 6

Trong tháng 5 và tháng 6, cấp huyện vẫn còn hiệu lực hoạt động, do đó việc xét hoàn thành chương trình tiểu học và xét tốt nghiệp THCS sẽ hoàn thành trước 30/6/2025 nên không ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh.

Về xét hoàn thành chương trình tiểu học do trường tiểu học hoặc trường có cấp tiểu học thực hiện theo điều 11 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Về xét tốt nghiệp THCS do trường THCS (hoặc trường đa cấp có cấp THCS) thực hiện. Bằng tốt nghiệp THCS do trưởng phòng

GD-ĐT cấp. Do đó, cần thực hiện sớm các bước xét tốt nghiệp, phê duyệt danh sách công nhận tốt nghiệp. Sở GD-ĐT in bằng để kịp cho phòng GD-ĐT các quận, huyện hoàn thành ký và cấp trước 30/6/2025, thuận lợi cho HS khi tuyển sinh THPT và giáo dục nghề nghiệp.

Trong bối cảnh bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, việc phân tuyến tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 sẽ thuận lợi hơn và có thể hoàn thành trước 30.6.

Cho đến nay các tỉnh, thành phố đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh các lớp đầu cấp giáo dục phổ thông năm học 2025 - 2026. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhiều địa phương thực hiện việc đăng ký tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến là chủ yếu, có kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (GIS). Điều này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho phụ huynh, học sinh và nhà trường. Đồng thời, mọi thông tin về tuyển sinh đều công khai cho người dân, làm cho công tác tuyển sinh nhanh chóng, khoa học, minh bạch, giảm các hiện tượng tiêu cực.

Về tuyển sinh THPT năm học 2025 - 2026, tất cả các tỉnh, thành phố đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh THPT, đa số là thi tuyển vào đầu tháng 6/2025.

Việc thi tốt nghiệp THPT theo lịch là ngày 26 - 27/6, do đó việc tổ chức thi, giao bài cho hội đồng chấm sẽ hoàn thành trong tháng 6. Tháng 7/2025 sẽ tiến hành chấm thi. Như vậy, hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đại học và cao đẳng của thí sinh.

Xem xét thay đổi tên trường khi bỏ huyện, thị xã, thị trấn

Hiện nay, đa số các trường học trên phạm vi toàn quốc lấy tên địa phương, tên danh nhân để đặt tên trường, như Trường tiểu học Đông Thanh (Quảng Trị), Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM)… Những trường này không bị ảnh hưởng khi bỏ đơn vị hành chính huyện, thị xã, thị trấn.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường mà trong tên gọi có các cụm từ "thị trấn", "thị xã", "phường", "xã" như Trường mầm non thị trấn Diêm Điền (Thái Bình), Trường tiểu học phường 4, quận 8 (TP.HCM), Trường THCS thị trấn Phú Lộc (TP.Huế), Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), Trường THPT thị xã Phước Long (Bình Phước)… sẽ không còn phù hợp, cần phải đổi tên.

Ngành GD-ĐT cần chủ động rà soát tên tất cả các cơ sở giáo dục, nếu có tên đơn vị không còn phù hợp đề xuất với UBND huyện, tỉnh điều chỉnh tên mới đảm bảo khoa học, lịch sử, thuận lợi cho quản lý và số hóa lâu dài.

screenshot-2025-04-23-095343.png
Đang có nhiều phương án đổi tên Trường THPT thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) sau khi sáp nhập tỉnh. (Ảnh: H.S.A)

Đối với trường mầm non, tiểu học và THCS, các phòng GD-ĐT đề xuất bỏ cụm từ "thị trấn", "phường" trong tên trường hoặc lấy tên địa danh, danh nhân. Như mới đây UBND H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã có quyết định đặt tên Trường tiểu học và THCS thị trấn Hải Lăng thành Trường tiểu học và THCS Bùi Dục Tài, là một danh nhân của H.Hải Lăng.

Đây là cơ hội để các phòng GD-ĐT rà soát, tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố đặt lại tên một số trường theo địa danh, danh nhân lịch sử để giáo dục học sinh.

Đối với các đơn vị trực thuộc, đa số lấy tên địa phương hay danh nhân để đặt tên trường là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số cơ sở giáo dục có tên chưa phù hợp. Chẳng hạn như Trung tâm GDTX tỉnh, trường trẻ em khuyết tật tỉnh, các trường THPT mà tên trường có cụm từ "thị xã"… Vì vậy, Sở GD-ĐT chủ động rà soát, tham khảo ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học đặt tên mới cho các cơ sở này, kể cả các trung tâm hay trường dạy nghề. Có thể bỏ cụm từ "thị xã". Chẳng hạn, Trường THPT thị xã Phước Long (Bình Phước) đổi tên mới thành THPT Phước Long.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp khá phức tạp. Như Trường THPT thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), là trường có bề dày 50 năm phát triển (1975 - 2025), cần xem xét nhiều yếu tố lịch sử, truyền thống. Theo các chuyên gia, có 3 phương án để đặt tên mới cho trường này. Phương án 1, bỏ cụm từ "thị xã" thành "Trường THPT Quảng Trị", tên này trùng với tên tỉnh mới nên không được. Phương án 2, thay cụm từ "thị xã" thành "Thành Cổ" trở thành "THPT Thành Cổ Quảng Trị", tên này là tên di tích lịch sử đặc biệt nên không sử dụng đặt tên trường. Và phương án 3, đặt tên mới là "Trường THPT Nguyễn Hoàng", như đề nghị của cố Giáo sư Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN.

Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/sap-nhap-tinh-bo-cap-huyen-khong-anh-huong-nguoi-hoc-185250422215626121.htm
Copy Link
https://thanhnien.vn/sap-nhap-tinh-bo-cap-huyen-khong-anh-huong-nguoi-hoc-185250422215626121.htm
Bài liên quan
Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới phấn đấu lên thành phố trực thuộc Trung ương
Sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới tiếp tục phấn đấu xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Không ảnh hưởng người học