Điều này khiến những người thân cận với Tổng thống Ukraine Zelensky không kỳ vọng nhiều về việc có một tiến trình cụ thể để trở thành thành viên của khối quân sự này.
Ông Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine, cuối tuần qua thừa nhận rằng "điều còn thiếu" ở đây là một "lời mời rõ ràng để Ukraine gia nhập NATO". Nó như là một quyết định để giúp Ukraine trở thành thành viên của khối nhanh hơn. Ông Kuleba đề xuất rằng, hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius sẽ là "thời điểm quan trọng" để thúc đẩy việc này.
Kiev tin rằng, tư cách thành viên NATO - mang theo triển vọng phòng thủ của chiếc ô hạt nhân phương Tây - là sự đảm bảo thực tế lâu dài duy nhất cho an ninh của Ukraine.
Dù Ukraine bi quan về việc gia nhập NATO, Kiev vẫn được cho là sẽ nhận được một lời đề nghị "đảm bảo an ninh" vào phút chót tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Lời "đảm bảo an ninh" này là một sự đảm bảo từ các ông lớn như Mỹ, Anh, Pháp và Đức rằng việc viện trợ và đào tạo quân sự sẽ tiếp tục kéo dài.
Nếu điều này thành hiện thực, Ukraine sẽ đi theo con đường phát triển của "chiến lược con nhím". Kiev sẽ được quân sự hóa cao độ giống Israel.
Ngày 8/7, ông Biden tuyên bố Mỹ “sẵn sàng” cung cấp cho Ukraine đảm bảo an ninh “kiểu Israel”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nói thêm rằng điều kiện để Mỹ đưa ra cam kết này là một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tới nay, Ukraine vẫn phản đối kịch bản “đóng băng xung đột” hay ngừng bắn với Nga.