Daniel S. Markey, cố vấn cấp cao về Nam Á của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), cho rằng Washington coi Ấn Độ là “một quốc gia dao động trong trật tự thế giới ngày càng được xác định bởi quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc”, vì thế các mối quan tâm nhân quyền phải “nhường chỗ” cho địa - chính trị.
“Theo quan điểm của tôi, mục tiêu của Nhà Trắng là nên phát triển mối quan hệ với Ấn Độ mà không cần cá nhân hóa mối quan hệ hoặc ủng hộ đường lối chính trị của ông Modi. Đó là một cây kim khó luồn”, Markey nói với CNN.
Đây là chuyến công du mới nhất trong hàng loạt chuyến đi của ông Modi trong những tuần gần đây, và Mỹ không phải là quốc gia duy nhất trải thảm đỏ đón nhà lãnh đạo Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2021. (Ảnh: Bloomberg)
Tháng trước, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đón Thủ tướng Modi đến thăm Sydney, ví ông như một ngôi sao nhạc rock và hết lời ca ngợi nhà lãnh đạo Ấn Độ. Trước đó, ông Modi đến Papua New Guinea, gặp Thủ tướng James Marape và cam kết ủng hộ các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng.
Trước đó, ông Modi gặp Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky bên lề thượng đỉnh G7 ở Ấn Độ.
Tại Washington trong tuần này, ông Modi và ông Biden dự kiến sẽ công bố một số thỏa thuận thương mại và quốc phòng. Mối bận tâm chung của họ về Trung Quốc sẽ là một ưu tiên quan trọng.
Tuy nhiên, dù trở nên ngày càng gần gũi với Mỹ, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Nga về vũ khí và khí tài. Đó là một trong những điều khiến Washington bận tâm nhất.
Thay vì cắt đứt quan hệ kinh tế với Điện Kremlin, Ấn Độ vẫn tăng cường mua dầu mỏ, than và phân bón của Nga, mang lại cho Mátxcơva nguồn tài chính quan trọng, trong bối cảnh lực lượng Nga đang tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
New Delhi cũng nhiều lần bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu lên án Nga tại Liên Hợp Quốc, giúp Nga giữ được sự ủng hộ ngoại giao quan trọng tại tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.