Theo ông Thốn, việc tồn hàng nghìn chiếc xe máy cũ tiềm ẩn lãng phí. Ví dụ, một chiếc xe vi phạm sau 3 tháng bị chủ xe bỏ lại, nếu thanh lý giá trị xe khoảng 1 triệu đồng/xe, nhưng do xe để lâu 2-3 năm nên giá trị thanh lý chỉ còn khoảng 500.000 đồng/xe.
Việc tồn hàng nghìn chiếc xe máy cũ tiềm ẩn lãng phí.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp. Thời gian xử lý xe vi phạm tính từ thời điểm xe bị tạm giữ ít nhất hơn 1 năm.
Xe cũ nằm chen chúc, lẫn trong cây cối vì bị bỏ tại bãi trông giữ 2-3 năm.
Để xác lập tài sản toàn dân, đấu giá xe máy "vô chủ", cơ quan chức năng cần lập Hội đồng thẩm định giá (với nhiều đơn vị như đại diện công an, tài chính, tư pháp..), ra quyết định tịch thu xe. Sau đó, cơ quan chức năng định giá trên cơ sở thời gian lưu kho, so sánh giá trị với xe mới và đưa ra giá khởi điểm đấu giá.
Bộ Tài chính cho biết, đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất chi tiết phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
“Dự thảo Nghị định khi được thông qua sẽ góp phần giúp đẩy nhanh quy trình, thủ tục xử lý tài sản xác lập sở hữu toàn dân. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng để lãng phí các tài sản như trường hợp xe vi phạm hành chính cũ hỏng”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.