Vượt qua nỗi sợ
Trên phương diện tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – chia sẻ: Sau thời gian dài học trực tuyến, khi phải đến trường, đối diện một môi trường với nhiều thứ bất định, thông tin chưa rõ ràng, nhiều sinh viên sẽ cảm thấy lo lắng, bất an và nảy sinh luồng suy nghĩ tiêu cực. Trước tiên, do ở nhà quá lâu khiến sinh viên, học viên mất đi kỹ năng, không có động cơ tham gia vào bất cứ hoạt động nào khi bắt đầu trở lại trường. Chưa hết, nhiều em còn cảm thấy tủi thân, thất vọng khi phải rời xa nhà, môi trường vốn thân thuộc, an toàn và thoải mái.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc đến trường học trực tiếp cũng khiến nhiều sinh viên rơi vào cảm giác bất an, lo lắng nếu chẳng may bản thân bị nhiễm bệnh hay những hội chứng hậu Covid-19. Một số em cũng đối diện với vấn đề liên quan đến cơm áo gạo tiền, nơi ăn chốn ở, các tình huống bất định như: Bắt nạt, nạn trộm cắp… Sự tổn thương về sức khỏe tinh thần sẽ gây nên những hành vi cảm xúc mất kiểm soát, nhiều bạn trẻ trở nên bốc đồng, hành xử hung hăng hơn, từ đây ảnh hưởng tới kết quả học tập cũng như chất lượng cuộc sống.
Với tân sinh viên, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) - nhìn nhận: Môi trường học tập mới mang lại cho các bạn nhiều trải nghiệm thú vị để trưởng thành, nhưng cũng có thể nhấn chìm tương lai của các em bởi các cạm bẫy. Các em cần tỉnh táo vượt qua những cạm bẫy từ chính mình. Đó là tâm lý thỏa mãn quá đà, thiếu tinh thần vượt khó trước những khó khăn trong quá trình học đại học.
Để thích ứng với môi trường học tập mới, biến thành thị và các trường đại học trở thành bệ phóng cho sự thành công, TS Hoàng Trung Học khuyến nghị sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất, cần chuẩn bị tốt kỹ năng sống như: Kỹ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội; quản lý thời gian và tài chính; phòng chống lừa đảo qua mạng xã hội; quản lý kế hoạch phát triển cá nhân; học tập hiệu quả trong môi trường đại học.
Nhấn mạnh, cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi, PGS.TS Trần Thành Nam – cho rằng: Né tránh mãi làm chúng ta lo sợ hơn. Do đó cần đủ tỉnh táo để phân biệt được nguy cơ và cách xử lý.
Dưới góc độ khoa học, các trường cần có những chuẩn bị để sinh viên, giảng viên trở lại trường học trong trạng thái bình thường mới như: An tâm về hệ thống hỗ trợ, Hiệu quả giáo dục và mục tiêu cho tương lai, sẵn sàng về sức khỏe và sức khỏe tinh thần, suy nghĩ tích cực về tương lai…