Sinh viên Khmer giữ hồn nghệ thuật sân khấu Dù kê

Quốc Ngữ - Hoàng Nam | 10/05/2023, 06:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những gương mặt trẻ đang trên ghế nhà trường đã có niềm đam mê nhằm giữ gìn, phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào dân tộc Khmer.

Trường ĐH Trà Vinh có những sinh viên có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật truyền thống Dù kê.

Bén duyên với Dù kê từ nhỏ

Sinh năm 2000 tại ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, hiện Thạch Thị Diệu đang là sinh viên lớp Đại học Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ thuộc Trường ĐH Trà Vinh.

Diệu kể: “Lúc nhỏ em cùng cha mẹ đi bán nước theo Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh. Chứng kiến các vở diễn trong sân khấu dù kê, em được khơi dậy sự đam mê, gắn bó nghệ thuật Dù kê đến tận hôm nay. Được sự dẫn dắt từ Nghệ sĩ ưu tú Thạch Sung, em dần tiến bộ hơn trong các vai diễn, từ giọng nói, điệu múa cho đến ngôn ngữ hình thể.”

Thạch Thị Diệu cho biết bản thân đã trải qua lớp đào tạo về nghệ thuật Dù kê tại Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh (nay là Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh). Trải qua nhiều năm gắn bó, em muốn được cống hiến sức nhỏ của mình trong công tác bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là sân khấu Dù kê.

Sinh viên Khmer giữ hồn nghệ thuật sân khấu Dù kê ảnh 1

Thạch Thị Diệu đoạt huy chương bạc hạng mục diễn viên xuất sắc Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ.

Thạch Thị Diệu cho rằng, trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, khó nhất là học về kỹ thuật diễn xuất. Quan trọng nhất là phải học, đặt chính bản thân mình vào nhân vật được nhận vai, cảm xúc lẫn hành động phải tạo sự đồng điệu để khán giả nhìn thấy và cảm nhận tốt nhất về vai diễn.

Để trở thành nghệ sĩ cần rất nhiều thời gian đào tạo và yêu cầu người học phải có năng khiếu về ca, múa, kỹ năng cảm âm cùng khả năng về diễn xuất mới có thể chinh phục công chúng và hoàn thành tốt vai diễn của mình.

Tham gia Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ 2 năm 2023, Thạch Thị Diệu thủ vai nhân vật Ammara trong vở diễn “Bài học đắt giá”. Với vẻ đẹp trong trẻo cũng giọng nói ngọt ngào, Thạch Thị Diệu xuất sắc mang về tấm huy chương bạc ở hạng mục diễn viên xuất sắc của liên hoan.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Đạt huy chương bạc với vai diễn hoàng tử Chane Cô Rup trong vở diễn “Bài học đắt giá” tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ, em Thạch Mi Thu Na rất tự hào về truyền thống nghệ thuật của đồng bào Khmer.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật Dù kê, Thạch Mi Thu Na, sinh viên lớp Đại học Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ thuộc Trường ĐH Trà Vinh) có phần may mắn hơn so với những bạn cùng trang lứa khác, khi cha mẹ là nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh).

Thu Na cho hay: Lúc nhỏ em cùng cha mẹ đi lưu diễn khắp nơi, từ hậu trường sân khấu nhìn lên, em được cảm nhận sự hoành tráng với nhiều sắc màu từ những bộ trang phục truyền thống. Từ đó em bắt đầu tha thiết, say mê với nghệ thuật Dù kê của dân tộc mình.

Thu Na chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tham gia liên hoan lớn, em cảm ơn Đoàn Nghệ thuật Khmer Trường ĐH Trà Vinh đã tin tưởng giao nhiệm vụ trong vở diễn để em thành công, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc của nghệ thuật này đến công chúng.

Sinh viên Khmer giữ hồn nghệ thuật sân khấu Dù kê ảnh 2

Thạch Mi Thu Na đoạt huy chương bạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ.

Tham gia liên hoan lần này, em được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ đi trước, được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật. Từ đó em và các bạn tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, góp phần lan tỏa mạnh mẽ nghệ thuật Dù kê truyền thống. Em mong muốn sẽ có những lớp đào tạo về nghệ thuật Dù kê, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ bảo tồn loại hình văn hóa, nghệ thuật này.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là sự du nhập của các loại hình nghệ thuật từ các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, các loại hình văn hóa dân gian, truyền thống có nguy cơ mai một. Đội ngũ diễn viên, nghệ nhân, các tác giả kịch bản và các nhà quản lý, đặc biệt là học sinh, sinh viên đã và đang cố gắng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu này, đảm bảo tính mới, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, mang hơi thở thời đại phù hợp với công chúng trẻ.

Dù kê - loại hình kịch hát dân tộc độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX ở Trà Vinh nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam Bộ. Với tốc độ phát triển nhanh và ngày càng hoàn thiện, loại hình nghệ thuật này sau đó đã nhanh chóng lan tỏa sang nước bạn Campuchia. Nhiều vở diễn có giá trị đã đi vào lòng khán, thính giả trong và ngoài nước.

Đây là loại hình nghệ thuật đã thừa hưởng những tinh hoa của nhiều loại hình nghệ thuật khác, là kết quả giao thoa văn hóa giữa người Khmer, người Kinh và Hoa. Dù kê có sự du nhập các làn điệu dân ca của người Hoa, nghệ thuật thiết kế sân khấu cải lương của người Kinh. Trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên Khmer giữ hồn nghệ thuật sân khấu Dù kê