Cụ thể, thống kê cho thấy sinh viên năm thứ nhất ngành phải học trực tuyến nhiều nhất là 7/16 môn. Và tổng số môn học trực tuyến trong suốt thời gian học đại học tại trường là 7/74 môn (chưa đến 10%). ĐH Kiến trúc đang trong giai đoạn đầu triển khai kết hợp 2 hình thức đào tạo nên vừa triển khai vừa lắng nghe vừa điều chỉnh để đạt được hiệu quả cao nhất.
Sau khi triển khai hết học kỳ I, nhà trường có lấy ý kiến khảo sát của sinh viên. Kết quả, khoa Xây dựng là khoa có số lượng môn học trực tuyến nhiều nhất cho thấy có 50/220 sinh viên có ý kiến về học trực tuyến. Ngay sau đó, nhà trường đã có điều chỉnh lịch học bắt đầu từ nửa cuối học kỳ II, sinh viên sẽ học trực tiếp tại trường.
"Nhà trường khẳng định không thiếu phòng học. Việc triển khai học trực tuyến là bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Nhưng nếu sắp xếp lịch học đan xen giữa học trực tuyến và học trực tiếp sẽ dẫn đến xung đột thời gian biểu của cả sinh viên và giảng viên. Nên nhà trường sắp xếp học trực tuyến các môn đại cương trước", ông Hiệp nói.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng thừa nhận nhà trường chưa tính đến chuyện thời gian trước đó sinh viên năm thứ nhất đã phải học trực tuyến nhiều ở phổ thông nên cần có nhu cầu tương tác trực tiếp. Nên ngay sau khi nhận được ý kiến của sinh viên, nhà trường đã điều chỉnh lại kế hoạch học tập.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho hay từng cơ sở chuyển đổi một phần chương trình đào tạo chính quy/vừa làm vừa học theo phương thức trực tiếp sang phương thức đào tạo trực tuyến. Việc này thực hiện trên cơ sở khả năng, điều kiện của từng trường và phải đáp ứng các quy định của bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo. Quy chế đào tạo trình độ đại học yêu cầu cơ sở đào tạo phải đưa ra minh chứng về chất lượng. Ví dụ đối sánh kết quả học tập giữa các lớp trực tuyến và trực tiếp (với tất cả điều kiện khác như nhau), ý kiến phản hồi của người học...