Sau đó, nhóm phủ vật liệu này lên vỏ pin lithium để hoàn thiện siêu tụ điện rồi lắp vào máy điện châm. Nhóm mang đi đo điện hóa và thu được kết quả điện dung 200 F/g, mật độ năng lượng là 10 Wh/kg, ổn định qua 10.000 chu kỳ.
“Kết quả phân tích chứng minh hiệu suất của siêu tụ mới tương đồng với những sản phẩm pin trên thị trường. Tuy nhiên, độ ổn định của siêu tụ mới cao hơn, có thể sử dụng thời gian dài mà không bị nóng máy”, sinh viên Hoàng Long giải thích.
Nhờ những ưu điểm này, nghiên cứu đã lọt vào top 13 sáng kiến xuất sắc của cuộc thi Sáng kiến thanh niên về chuyển đổi năng lượng và đảm bảo công bằng xã hội năm 2024 và được đầu tư 50 triệu đồng để phát triển sản phẩm.
Ngoài ra, vì không sử dụng hóa chất nên quy trình tạo ra carbon aerogel từ vỏ sầu riêng của nhóm khá đơn giản, giúp rút ngắn thời gian và hạn chế ảnh hưởng môi trường. Một ưu điểm nữa, nhóm dễ dàng tìm thấy nguyên liệu nhờ nguồn cung sầu riêng lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Carbon aerogel là một vật liệu đầy tiềm năng trong nhiều lĩnh vực như hấp phụ, cảm biến… Hiện tại, nhóm tập trung vào mảng lưu trữ năng lượng, cụ thể là chế tạo siêu tụ điện ứng dụng trong thiết bị điện châm.
Sau khi hoàn thiện, nhóm dự định xin cấp phép thử nghiệm lâm sàng từ hội đồng Y Đức của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp nhằm đánh giá độ an toàn và hiệu quả thực tế của sản phẩm.
ThS.BS Nguyễn Hữu Đức Minh cho biết nhóm có tinh thần làm việc rất chủ động và kỷ luật. Anh cũng đánh giá cao tính ứng dụng của vật liệu carbon aerogel làm từ vỏ sầu riêng.
“Trong ngành Y tế, có rất nhiều thiết bị sử dụng nguồn điện từ pin. Do đó, giải pháp thay thế pin bằng siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng của nhóm có thể ứng dụng vào nhiều thiết bị y tế khác như máy điện châm, máy xoa bóp… Không chỉ giúp ích cho quá trình hỗ trợ bệnh nhân, dự án này còn tạo ra một mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải ra môi trường” - ThS.BS Đức Minh chia sẻ.