Tô Quốc Hòa cho biết thêm, đột quỵ với các biến chứng như liệt, rối loạn ngôn ngữ, vận động, thậm chí tử vong đang là nỗi sợ hãi của không ít người. Hàng năm, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ 2 trên toàn thế giới.
Theo số liệu của WHO năm 2022, mỗi năm thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ, 5 triệu người chết và 5 triệu người khác tàn tật vĩnh viễn. Đáng nói, đột quỵ xuất hiện ở cả trẻ em với ước tính có đến 4.000 trẻ sơ sinh và 2.000 trẻ em bị đột quỵ mỗi năm.
Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương do sự gián đoạn quá trình lưu thông máu. Có hai nguyên nhân chính gây đột quỵ là tắc nghẽn mạch máu não và xơ vữa mạch máu não. Hậu quả là tế bào tổn thương hàng loạt dẫn tới nguy cơ tử vong và tàn tật.
Đến nay chưa có biện pháp hiệu quả thúc đẩy hồi phục thần kinh trong lâm sàng mà chỉ dừng ở phục hồi chức năng ở bệnh nhân bị đột quỵ. Có hơn 98% thuốc phân tử nhỏ không thể đi qua hàng rào máu não, điều này dẫn tới hạn chế tác động của thuốc cũng như ứng dụng trong lâm sàng không có hiệu quả cao.
“Giải pháp của nhóm là sử dụng exosome có các tiềm năng như có thể xâm nhập hàng rào máu não, nhắm trúng đích cao, hạn chế đáp ứng miễn dịch, độc tính thấp... Do đó có thể sử dụng để giải quyết ngăn chặn nguyên nhân khôi khục các hệ mạch bị tổn thương nhằm ngăn chặn xơ vữa động mạch.
Hạn chế tổn thương, điều biến miễn dịch và giúp ngăn chặn quá trình apoptosis và đáp ứng viêm; Thúc đẩy hồi phục, hỗ trợ hình thành tế bào thần kinh mới”, Hòa chia sẻ.
Đánh giá ý tưởng, PGS.TS Phạm Văn Phúc - Viện trưởng Viện Tế bào gốc (trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, hiện có khá nhiều nghiên cứu sử dụng exosome hỗ trợ điều trị đột quỵ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này hướng đến giải pháp chữa trị tại bệnh viện theo phác đồ của bác sĩ và cần một khoảng thời gian. Trong khi nghiên cứu của nhóm hướng đến tạo ra loại thuốc hỗ trợ điều trị đột quỵ một cách tức thời, có thể sử dụng tại nhà để hỗ trợ bệnh nhân trước khi đến bệnh viện.
“Ý tưởng là rất tốt, tuy nhiên, nhóm cần làm thực tế trên động vật để chứng minh tính khả thi. Đây là quá trình dài và hoàn toàn có thể thất bại nhưng sẽ rất tiềm năng nếu thành công”, PGS Phạm Văn Phúc nói.
Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc (Stem Cell Innovation) do Viện Tế bào gốc tổ chức thường niên dành cho học sinh, sinh viên. Cuộc thi năm nay thu hút hơn 260 dự án của các đội thi đến từ 30 trường đại học và 20 trường THPT.
Sau các vòng, ban tổ chức chọn 10 dự án vào vòng chung kết với tổng giá trị giải thưởng 150 triệu đồng. Ngoài ra, các nhóm dự thi đoạt giải cao được tài trợ các khóa ươm tạo, đào tạo, thực tập để nuôi dưỡng đam mê, biến ý tưởng thành sản phẩm tại Viện Tế bào gốc.