Máy có thể hỗ trợ bệnh nhân di chuyển ở tư thế đứng bằng bộ điều khiển tự động với vận tốc tối đa là 0,8m/s. Đặc biệt, thiết bị Independence Mobility còn giúp người dùng di chuyển được 360 độ nên phù hợp với hầu hết không gian hẹp.
Theo nhóm, hiện nay, các sản phẩm trên thị trường đa phần là hỗ trợ bệnh nhân ở tư thế ngồi, trong khi đó thiết bị này góp phần thúc đẩy thói quen hoạt động ở tư thế đứng. “Khi đứng được, bệnh nhân cũng sẽ chủ động hơn trong sinh hoạt, phục hồi chức năng; từ đó loại bỏ được tâm lý mặc cảm và dễ hòa nhập với cuộc sống hơn. Đó là tính hiệu quả của sản phẩm trong việc trị liệu vật lý và tinh thần” - Quang Khương nói.
Đáng chú ý, thiết bị này còn được thiết kế vừa vặn với cơ thể của người Việt và giá thành phù hợp với mức thu nhập của gia đình người bệnh. Sản phẩm dự kiến có giá 60 triệu đồng, kèm dịch vụ chăm sóc, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn sử dụng sản phẩm của nhân viên y tế trong 2 tháng.
Theo nhóm nghiên cứu, cấu tạo của máy vẫn còn một số điểm yếu như khá nặng, khó lắp ráp (lắp ráp bằng ốc vít mất khoảng 30 - 60 phút); đai giữ hông hơi mỏng và dễ tuột. Vì thế, nhóm sẽ tìm kiếm chất liệu mới nhẹ hơn, thiết kế thêm các mối nối để phần lắp ráp, gấp gọn trở nên đơn giản hơn, đồng thời điều chỉnh lại phần đai hông.
Quang Khương nói thêm: “Riêng phần bệ đỡ mông, chúng mình sẽ làm thành dạng có độ đàn hồi tốt giống võng dù để nó có thể ôm trọn phần đùi, mông, lưng, giúp bệnh nhân vừa đứng đúng tư thế, vừa ngồi được khi mỏi và có cảm giác an toàn”.
Nhóm dự định tích hợp Internet vạn vật (IoT) cho thiết bị này nhằm nâng cao tính an toàn, tiện lợi. Nghĩa là, IoT trên thiết bị sẽ giúp người nhà trông chừng bệnh nhân, đồng thời báo về ứng dụng liên kết trên điện thoại nếu họ bị ngã. Còn với những bệnh nhân chỉ muốn tập đứng để phục hồi chức năng, nhóm sẽ dùng IoT để theo dõi tư thế đứng, thời gian và hiệu quả luyện tập, từ đó giúp họ đứng đúng và nhanh hồi phục hơn.
“Ngoài ra, nhóm cũng muốn ứng dụng thêm công thái học và tạo ra nhiều phiên bản đa dạng về kích cỡ, lực nâng để phù hợp với vóc dáng, cân nặng của mọi đối tượng” - Quang Khương chia sẻ. Trong tương lai, nhóm mong muốn có thể hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.