Điển hình, hơn 700 sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng và 100 sinh viên Đại học Điện lực không đủ điều kiện tốt nghiệp do không được công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ với chứng chỉ tiếng Anh Aptis mẫu cũ của Hội đồng Anh.
Bộ GD&ĐT 2 lần gửi văn bản yêu cầu Hội đồng Anh, Đại học Tôn Đức Thắng và các bên liên quan giải quyết dứt điểm việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Trong đó, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh quan điểm việc thay đổi tên gọi, đánh giá mức độ tương đương của các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài là trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan - tổ chức cấp chứng chỉ nước ngoài.
Tháng 2, giải trình về việc cấp chứng chỉ không đúng quy định của Bộ GD&ĐT, Hội đồng Anh cho biết chứng chỉ Aptis ESOL là tên gọi mới của chứng chỉ Aptis. Cụm từ ESOL (English for Speakers of Other Languages) được bổ sung để phù hợp với xu hướng phát triển của khảo thí ngôn ngữ và nhu cầu đánh giá trình độ tiếng Anh của những người không sử dụng trên thế giới.
Chứng chỉ Aptis có các phiên bản: General, Advanced và For Teachers. Chứng chỉ mới Aptis ESOL cũng có các phiên bản bài thi General, Advanced và For Teachers. Do vậy, chứng chỉ Aptis và Aptis ESOL có giá trị pháp lý như nhau.
Trong quá trình tổ chức thi Aptis, đơn vị này vẫn cấp mẫu chứng chỉ Aptis cũ do phôi chứng chỉ mới chưa kịp về Việt Nam. Hội đồng Anh thừa nhận đây là sơ suất về hành chính và chưa kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT.
Đơn vị cũng đề xuất biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi của người dự thi là đăng tải công khai thông báo xác nhận mẫu chứng chỉ Aptis cũ và mẫu chứng chỉ Aptis ESOL International Certificate có giá trị như nhau. Đơn vị này hứa sẽ cấp lại chứng chỉ theo mẫu mới cho các thí sinh đã vượt qua bài thi và được công nhận (nếu có yêu cầu), trong vòng 2 năm kể từ ngày thi.
Trong khi đó, Hội đồng Anh kiên quyết cho rằng 2 loại chứng chỉ có giá trị tương đương nhau và yêu cầu sinh viên làm việc với trường để được công nhận.