Giáo dục

Sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên thông minh

07/10/2024 20:53

Với khát vọng, ước mơ, hoài bão, chính các bạn sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên thông minh.

Đây là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi giao lưu, đối thoại với sinh viên chủ đề "Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ" tại ĐHQG Hà Nội chiều 7/10. Cùng tham gia giao lưu có GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người

Đánh giá cuộc đối thoại là một minh chứng thể hiện kết quả của mối quan hệ ngày càng gắn bó, chặt chẽ và đầy sức sống giữa Việt Nam và WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời thông tin: gần đây nhất, WEF đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm thứ hai trong mạng lưới của WEF tại Đông Nam Á.

Thủ tướng đánh giá cao, cảm ơn những chia sẻ rất sâu sắc, ý nghĩa, những tình cảm dành cho Việt Nam và định hướng cho thế hệ trẻ Việt Nam của Giáo sư Klaus Schwab tại cuộc đối thoại, tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Thủ tướng rằng, tầm nhìn chiến lược của Giáo sư và của WEF được thế giới khẳng định trong hơn 50 năm phát triển của WEF và ngày càng được khẳng định trong nắm bắt những xu hướng mới toàn cầu và đề xuất những giải pháp cho tương lai.

Nói về chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos, Thụy Sĩ là "Định hình kỷ nguyên thông minh", Thủ tướng đánh giá đây là nội dung mang tầm thời đại, là vấn đề thế giới phải nghiên cứu, thích ứng và làm chủ; nhất trí với Giáo sư về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập "kỷ nguyên thông minh".

Theo Thủ tướng, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác.

Từ khía cạnh kinh tế, thông minh phải thực sự chuyển hoá thành sự cải thiện về năng suất, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, cũng như phát huy hiệu quả trong khâu phân phối.

Từ khía cạnh xã hội, thông minh phải làm xã hội bình đẳng hơn, tự do hơn, bao trùm hơn, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau.

Từ khía cạnh môi trường, thông minh phải đi đôi với sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững các nền kinh tế.

Từ khía cạnh địa chính trị, thông minh phải thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển, phải ngăn ngừa xung đột, đối đầu, chia rẽ, gác lại quá khứ, khai thác điểm đồng, hướng tới tương lai.

"Tôi cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể", Thủ tướng nhấn mạnh.

vnu1-7635.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân giao lưu cùng sinh viên.

Cơ hội, thách thức song hành

Phân tích về thách thức và cơ hội của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh này, Thủ tướng cho rằng phát triển bền vững, bao trùm trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới ngày nay.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững là vấn đề có tính toàn cầu, tác động đến toàn dân, toàn diện, đến mọi hoạt động của con người, mọi quốc gia. Vì vậy, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế để thúc đẩy và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kỷ nguyên thông minh mang lại.

Thủ tướng chỉ ra 3 thách thức lớn với Việt Nam: Khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.

Bên cạnh đó, cũng có những cơ hội với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, như cơ hội của người đi sau (có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các bạn sinh viên, thanh niên; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược.

vnu2-1428.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab, các đại biểu tham quan Phòng truyền thống ĐHQG Hà Nội.

Lựa chọn những lĩnh vực, công đoạn mà Việt Nam có lợi thế nhất

Chia sẻ về những thành tựu của Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã vươn lên từ một nền kinh tế kém phát triển thành nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, đứng thứ 34 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam trở thành quốc gia có chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển.

Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Là một đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tích cực đóng góp vào quá trình giải quyết các thách thức chung của thế giới và khu vực.

Về tầm nhìn trong kỷ nguyên phát triển mới, Thủ tướng cho rằng trước hết chúng ta phải tự tin, bản lĩnh và chúng ta có cơ sở để tự tin, bản lĩnh để tham gia kỷ nguyên thông minh.

Về vấn đề này, Thủ tướng bày tỏ tâm đắc với chia sẻ của Giáo sư Klaus Schwab về bản lĩnh Việt Nam. Với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", truyền thống văn hóa – lịch sử hào hùng, chúng ta có bản lĩnh, tự tin để đi lên, vượt qua giới hạn của chính mình.

Chia sẻ về mục tiêu của Việt Nam tới năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng cho rằng cả dân tộc phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), huy động mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác nguồn lực nội sinh (thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử, con người), đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, lấy nguồn lực bên ngoài (vốn, quản trị, công nghệ, đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá.

Thủ tướng nêu rõ, cần hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, huy động tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị trong kỷ nguyên thông minh. Cùng với đó, lựa chọn những lĩnh vực, những công đoạn mà Việt Nam có lợi thế nhất trong chuỗi cung ứng, sản xuất của kỷ nguyên thông minh, phát huy hết sở trường của con người Việt Nam, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam trong bối cảnh thế giới.

Ngoài các chính sách chung, tạo cơ hội bình đẳng cho tất mọi người, thì phải có chính sách đặc thù, đặc biệt cho các đối tượng yếu thế, những vùng có điều kiện khó khăn, bảo đảm không để thiếu điện, không có vùng lõm sóng, phát huy tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa các đối tượng, các vùng miền, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên thông minh.

vnu10-8514.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab ghi sổ vàng tại Phòng truyền thống ĐHQG Hà Nội.

Vai trò của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên thông minh

Nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội".

Thủ tướng mong muốn, tin tưởng thế hệ trẻ phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, dám đương đầu khó khăn, thách thức, vượt qua khó khăn, thách thức, có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề đặt ra, phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh, đóng góp cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

"Sự đổi mới của đất nước bắt nguồn từ mùa Xuân của tuổi trẻ, với khát vọng, ước mơ, hoài bão, chính các bạn sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên thông minh", Thủ tướng nói và đề nghị các bạn trẻ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành như chip bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…

Thủ tướng bày tỏ mong muốn GS. Klaus Schwab và WEF sẽ có thêm nhiều sáng kiến hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên, thanh niên tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thêm cơ hội tiếp cận và làm chủ những công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình, dự án của WEF; từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam tiên phong trong kỷ nguyên thông minh mà thế hệ trẻ là nòng cốt.

Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và lắng nghe những ý kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cộng đồng doanh nghiệp, các bạn trẻ thanh niên và sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, về đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo thuận lợi cho thế hệ trẻ để vững bước tiến vào kỷ nguyên thông minh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên thông minh