Mức học phí trường đưa ra dao động 200 - 260.000 đồng/buổi/học sinh tuỳ vào cấp độ lớp học online hay trực tiếp, cấp tốc hay lâu dài.
Một cô giáo bật mí, số tiền kiếm được từ dạy thêm các lớp này mỗi tháng lên đến vài chục triệu đồng. Các lớp học thêm ôn luyện này diễn ra hoàn toàn tự nguyện, đa dạng các thành phần học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 với chung mục tiêu ôn thi vào ngôi trường tốt.
Lịch học các lớp của giáo viên này diễn ra vào tất cả các buổi tối trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi ca 2 tiếng dạy tại nhà riêng với khoảng 15 -20 em/lớp. Mỗi buổi học sẽ có mức phí 150 - 200.000 đồng/em.
Khi được hỏi về việc cấm dạy thêm nhưng sao vẫn mở lớp, cô giáo này biện minh lớp chỉ khoảng 20% học sinh của cô ở trường, còn lại phần lớn là các em trường ngoài theo học với mong muốn vào được trường cấp 3 mơ ước. "Các em tự nguyện, mục đích ôn thi vào trường top đầu nên tôi đáp ứng nhu cầu, thuận mua vừa bán, hoàn toàn không có sự ép buộc", cô nói.
Cựu giáo viên Đinh Bích Huyền (62 tuổi, Hà Nội) cho rằng, dạy thêm cũng có những mặt tốt nhưng bị lạm dụng sẽ không đem lại hiệu quả và gây tốn kém thời gian tiền bạc, sức khỏe của phụ huynh và học sinh. Đáng lo nhất, tâm lý nhiều phụ huynh cho con đi học thêm cốt để tránh không bị giáo viên "đì". Điều này vô tình tiếp tay các lớp học thêm nở rộ, giáo viên không cần giỏi cũng mở lớp dạy thêm, miễn sao thu được tiền từ học sinh.
Theo quy định hiệu trưởng được giao làm trưởng ban kiểm tra giáo viên của trường mình có dạy thêm không, nhưng thực tế bao nhiêu năm qua chưa thấy trường hợp nào trường làm mạnh tay vấn đề này, chủ yếu vẫn bao che cho hoạt động dạy và học thêm.
Cô Huyền cho hay chỉ cần đến khu vực gần các trường tiểu học, THCS hỏi người dân quanh đó về giáo viên nào đang dạy thêm, mong muốn cho con học, từ trẻ em đến người già đều biết và chỉ dẫn cụ thể. Tuy nhiên từ thanh tra giáo dục quận đến hiệu trưởng các trường bao năm qua đều không phát hiện ra sự vụ nào. Vì thế, dù Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT có cấm đến đâu thì các lớp dạy thêm vẫn cứ tràn lan như nấm mọc sau mưa.
"Các cấp quản lý ngành giáo dục thực sự không biết đến tình trạng này, hay tất cả đều 'mắt nhắm, mắt mở' cho qua việc giáo viên dạy thêm này? Thầy cô dạy thêm để cải thiện cuộc sống là chính đáng, nhưng bất hợp lý ở đây là họ dạy thêm chính học sinh trên lớp của mình, ai không đi sẽ bị nhắc nhở, hỏi thăm thường xuyên gây áp lực", nữ giáo viên thẳng thắn nói.
Tháng 5/2012, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 17, là cơ sở pháp lý cao nhất để quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016 bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, khiến việc cấp phép cho hoạt động này bị vô hiệu. Vì vậy, tháng 9/2019, Bộ GD&ĐT công bố, 8 trong số 22 điều của Thông tư 17 hết hiệu lực.
Tháng 3/2023, trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm ngày càng nở rộ, bất chấp lệnh cấm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện một số quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như: nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Bất chấp lệnh cấm, hoạt động dạy thêm vẫn tiếp diễn mỗi ngày. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Thông tư 17 cũng nêu rõ, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…".
Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư 17 cũng được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là đã lỗi thời khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó có quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống"…
Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất, giáo dục địa phương, tiếng Anh, tin học; âm nhạc, mỹ thuật,… đã đưa vào là các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng thiết kế bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học.
Do vậy, không lý do gì lại được phép dạy thêm tại trường tiểu học các hoạt động như tăng cường kỹ năng sống, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Trước ý kiến cần sửa đổi và thay thế Thông tư số 17, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 17 nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều về vấn đề dạy thêm, học thêm từ các khóa trước, nhưng đến nay câu chuyện này chưa có hồi kết và kỳ tới chắc vẫn phải bàn.
Bà Nga nêu, các vấn đề cần giải quyết mang tính chiều sâu như: giảm tải chương trình từ chương trình sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy theo hình thức dồn kín, dồn ép kiến thức sang phương pháp dạy tư duy; cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp thi cử. Cuối cùng là vấn đề tổ chức hệ thống trường học.
Nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật, lâu nay các văn bản chống dạy thêm, học thêm tràn lan chỉ tập trung vào việc giáo viên ép học sinh học thêm. Các nguyên nhân sâu xa như nội dung chương trình, thi cử nặng nề, tâm lý chuộng bằng cấp… không có biện pháp cụ thể thì việc dạy thêm, học thêm lành mạnh rất khó thành hiện thực.