Văn hóa

Sơn mài Việt vươn ra thế giới

21/02/2025 06:27

Sơn mài vốn được coi là 'đặc sản' của nghệ thuật Việt Nam, trong khi tranh dân gian đã gắn bó với người Việt như một lẽ sống tự nhiên.

Sự kiện “Sắc màu Di sản: Workshop và Triển lãm Quốc tế về nghệ thuật sơn mài” thu hút 33 nghệ sĩ đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Mông Cổ và Kazakhstan.

Mở lối cho nghệ thuật sơn mài

Dù chỉ diễn ra trong thời gian 1 ngày ngắn ngủi (17/2) tại không gian của Latoa Garden (Hoàng Mai, Hà Nội), nhưng buổi workshop đã mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc về ứng dụng của sơn mài trong đời sống đương đại. Đồng thời, đưa nghệ thuật sơn mài – đặc sản của mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Sự kiện do các nghệ sĩ Latoa Indochine tổ chức, dù buổi workshop chỉ diễn ra trong 1 ngày duy nhất nhưng tổng chương trình kéo dài đến hết tháng 5/2025 chính là khoảng thời gian để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế có những soi chiếu, cùng nhau mở lối cho nghệ thuật sơn mài trong tương lai.

Họa sĩ Lương Minh Hòa cho biết, sơn mài là một nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, sử dụng chất liệu sơn tự nhiên từ cây sơn ta kết hợp với các nguyên liệu như vỏ trứng, vỏ trai và vàng bạc để tạo nên những tác phẩm tinh xảo. Quy trình chế tác sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, trải qua nhiều công đoạn như bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng, nhằm đạt được độ mịn màng và óng ả đặc trưng.

Có những giá trị được hun đúc từ lớp lớp thời gian, lặng lẽ thấm vào từng đường nét, từng sắc màu, để rồi khi hiện diện, chúng không đơn thuần là một tác phẩm, mà là cả một dòng chảy văn hóa. Sơn mài - loại hình nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam chính là một di sản như thế.

son-mai-viet-4.jpg
Thông qua workshop làm sơn mài, các nghệ sĩ quốc tế hiểu hơn về một đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam.

Nghệ thuật sơn mài không chỉ phản ánh giá trị thẩm mỹ, mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa sâu sắc của dân tộc Việt Nam. Từ kỹ thuật sơn mài và sơn khắc, các nghệ sĩ của Latoa Indochine đã sáng tạo ra tranh sơn mài khắc. Khi sơn mài và sơn khắc kết hợp với nhau tạo ra hiệu quả thú vị. Đặc biệt, việc ứng dụng các kỹ thuật này để thể hiện các dòng tranh dân gian Việt Nam đã mang đến những kết quả bất ngờ.

Sơn mài với lớp nền vóc dày công chuẩn bị, với sắc đỏ son nồng ấm, vàng lấp lánh, đen huyền bí, là một thứ ngôn ngữ thị giác đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ kỹ thuật điêu luyện, mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại. Lớp này phủ lên lớp khác, mài mòn đi để lộ ra vẻ đẹp ẩn giấu bên trong, cũng chính là hành trình của một nền nghệ thuật, luôn biến đổi và thích ứng để trường tồn.

Việc hơn 30 nghệ sĩ đến từ các nước Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Mông Cổ và Kazakhstan đến Việt Nam tham gia vào sự kiện, đã chứng tỏ sức thu hút của nghệ thuật sơn mài Việt. Những đường nét truyền thống sẽ được soi chiếu qua lăng kính của các nền văn hóa khác nhau, đưa sơn mài không chỉ là di sản của một dân tộc, mà còn là ngôn ngữ chung của những tâm hồn yêu cái đẹp trên thế giới.

“Thông qua các hoạt động giao lưu, sáng tác và trưng bày, góp phần kết nối nghệ sĩ quốc tế, mở ra những hướng đi mới trong việc ứng dụng tranh sơn mài vào các không gian nghệ thuật, bảo tàng, cũng như khuyến khích sự sáng tạo trong cách thể hiện, giúp loại hình nghệ thuật này tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng và thị trường tại các quốc gia”, ông Phạm Ngọc Long - Chủ tịch Latoa Indochine chia sẻ.

son-mai-viet-1.jpg

Lan tỏa di sản, thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Ông Phạm Ngọc Long cũng cho biết, tại sự kiện “Sắc màu Di sản: Workshop và Triển lãm Quốc tế về nghệ thuật sơn mài”, một lần nữa chất liệu sơn mài khắc của Việt Nam lại được thử nghiệm kết hợp với các xu hướng hiện đại của hội họa thế giới.

Thông qua chương trình, bạn bè quốc tế hiểu hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống và tranh dân gian Việt Nam, đồng thời cũng là cách để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa nói chung trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sơn mài vốn được coi là “đặc sản” của nghệ thuật Việt Nam, trong khi tranh dân gian đã gắn bó với người Việt như một lẽ sống tự nhiên. Tuy nhiên trong đời sống hiện đại, nhiều dòng tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một và rơi vào quên lãng.

Lúc này, việc phục hồi tranh dân gian, đưa dòng tranh này lên một tầm cao mới trên nền chất liệu sơn mài truyền thống chính là hoạt động cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong những năm qua, với mục tiêu lan tỏa văn hóa truyền thống tới người trẻ và bạn bè quốc tế, nhóm nghệ sĩ Latoa Indochine đã nỗ lực phục hồi, lưu giữ và nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc. Mỗi tác phẩm được làm qua rất nhiều công đoạn như vẽ phác thảo, dùng công cụ khắc lõm chi tiết, lên màu sơn mài, thếp vàng, thếp bạc sau lần mài...

son-mai-viet-3.jpg
Nghệ sĩ Jamilya Bektiyarowa đến từ Kazakhstan bày tỏ niềm yêu thích đối với sơn mài Việt.

Năm 2022, gần 100 tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm “Con đường” tại Bảo tàng Hà Nội đã gây tiếng vang trong giới nghệ thuật và thu hút đông đảo công chúng. Trong đó, tác phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” dài gần 5m, vẽ theo lối trường quyển với 2 trường đoạn, 82 nhân vật, miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo trở về, đã đặc biệt gây chú ý bởi sự kỳ công, mực thước của tranh dân gian trên chất liệu sơn mài.

Vào tháng 8/2024, gần 60 bức tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng hội tụ trong Triển lãm “Mạch di sản” tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cũ (49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã kể một câu chuyện thật đẹp về văn hóa Việt. Các họa sĩ bóc tách tỉ mẩn để từng lớp lang văn hóa được hiện diện trên mỗi bức tranh dân gian, làm sáng rõ các giá trị văn hóa thuần khiết trong dòng chảy của đời sống hiện đại.

“Các họa sĩ đến từ nhiều quốc gia nhưng tất cả họ đều mong muốn khám phá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là kỹ thuật làm tranh sơn mài. Vì thế, sự kiện “Sắc màu Di sản: Workshop và Triển lãm Quốc tế về nghệ thuật sơn mài” chính là hoạt động nhằm quảng bá, lan tỏa văn hóa, “chắp cánh” cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam vươn ra thế giới.

Ngược lại, việc kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và xu hướng hiện đại từ các nền văn hóa khác nhau sẽ mở ra những hướng đi mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nghệ thuật sơn mài trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Phạm Ngọc Long - Chủ tịch Latoa Indochine cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/son-mai-viet-vuon-ra-the-gioi-post720148.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/son-mai-viet-vuon-ra-the-gioi-post720148.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơn mài Việt vươn ra thế giới