Song hành giải pháp từ gia đình, nhà trường phòng tránh cận thị học đường

03/11/2023, 08:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện tỷ lệ học sinh mắc tật cận thị gia tăng, làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng học tập cũng như sinh hoạt.

Ngành Giáo dục các địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phòng tránh.

Hơn 40% học sinh/lớp bị cận thị

Cận thị được xác định là kết quả của nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe mắt. Trong đó, 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến cận thị bao gồm yếu tố di truyền và môi trường sinh hoạt, học tập.

Qua thực tế kiểm tra công tác y tế trường học, ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết, tình trạng học sinh mắc các tật khúc xạ mắt ngày càng gia tăng, đặc biệt ở khu vực vùng trung tâm thành phố. Sử dụng điện thoại sớm và quá mức, xem tivi nhiều, học tập ở nơi thiếu ánh sáng được xác định là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ cận thị ở mức cao. Thậm chí ở nhiều lớp học, số học sinh bị cận tới hơn 40%.

Tình hình tương tự tại tỉnh Đồng Tháp, theo thống kê của Trường Tiểu học Mỹ Hòa 1 (huyện Tháp Mười), năm học 2020 - 2021, số học sinh mắc cận thị khoảng 3,1%. Tuy nhiên, con số này có chiều hướng tăng lên qua các năm, với năm học 2021 - 2022 là 5,2% và năm học 2022 - 2023 là 6,5%.

Thầy Nguyễn Hoàng Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô (TP Cần Thơ) cho rằng, không chỉ thành thị, ngày nay cận thị học đường xuất hiện nhiều ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu do các em tiếp cận sớm máy tính, điện thoại… và học trong môi trường ánh sáng không tốt. Theo thống kê, bình quân hằng năm tại trường có khoảng 20% học sinh bị cận thị và con số này tăng theo thời gian.

Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Lấp Vò 1 (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) trong giờ lên lớp.
Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Lấp Vò 1 (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) trong giờ lên lớp.

Nỗ lực phòng tránh

Đối mặt với xu hướng học sinh mắc tật cận thị ngày càng tăng, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các đơn vị hỗ trợ kiểm tra mắt, xác định tật khúc xạ cho học sinh.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Cần Thơ còn phối hợp với ngành Y tế xây dựng chương trình tuyên truyền phòng ngừa ngay từ cấp mầm non; hướng dẫn trẻ sử dụng điện thoại di động và đọc sách đúng cách, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt và tỷ lệ cận thị trong học sinh. Tại các trường, bộ phận y tế đã phối hợp với giáo viên hướng dẫn tư thế ngồi phù hợp, sử dụng sách và thiết bị học tập thông minh… hợp lý, tăng cường giáo dục học sinh vệ sinh mắt.

Tại Đồng Tháp, Trường Tiểu học Thị trấn Lấp Vò 1, huyện Lấp Vò đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng cận thị cho học sinh như đầu tư bảng chống lóa để tăng cường khả năng nhìn; tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh cách phòng, tránh; thầy cô chủ động hơn trong sắp xếp chỗ ngồi sao cho hợp lý tầm nhìn của các em.

Trường Tiểu học Mỹ An 1 (tỉnh Đồng Tháp) còn triển khai mô hình kết hợp hoạt động thể dục thể thao sau giờ học chính khóa. “Mục tiêu của mô hình này là tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động ngoài trời, không chỉ để nâng cao sức khỏe mà còn hạn chế thời gian tiếp xúc thiết bị điện tử. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh và nhà trường xem xét mở rộng quy mô trong thời gian tới”, thầy Phan Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Dù các nhà trường nỗ lực nhiều biện pháp để phòng tránh tật cận thị cho học sinh, nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình.

Chia sẻ quan điểm, thầy Dư Thanh Hiếu - Bí thư Đoàn trường Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) trao đổi, trong quá trình giảng dạy, giáo viên dễ dàng quan sát được biểu hiện không tập trung của học sinh do sử dụng quá nhiều thiết bị thông minh.

Để giải quyết vấn đề này, thầy cô chủ động nhắc nhở và giáo dục học sinh về việc sử dụng thiết bị điện tử thông minh đúng cách. Tuy nhiên, theo thầy Hiếu, quan trọng nhất là ý thức học sinh và sự phối hợp của gia đình để bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt là các bệnh về mắt.

Cô Bùi Ngọc Cang - nhân viên Y tế Trường Tiểu học Thị trấn Lấp Vò 1 (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Dù thành thị hay nông thôn, để hạn chế các tật khúc xạ mắt, gia đình cần quan tâm và chăm sóc con em. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc làm mẫu và hướng dẫn trẻ cách sử dụng thiết bị điện tử, quản lý thời gian và bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe mắt, từ đó hình thành thói quen tích cực”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Song hành giải pháp từ gia đình, nhà trường phòng tránh cận thị học đường