Trồng người

Sự công bằng là nền tảng gắn kết các con với nhau

Hà Minh 01/01/2024 06:30

(GDTĐ) - Nhiều gia đình có từ hai con trở lên xuất hiện sự “thiên vị” của cha mẹ giữa các con. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý và tình cảm của con trẻ. Vậy, làm thế nào để luôn giữ được sự công bằng, không gây tổn thương các con.

su-cong-bang.jpg
Sự công bằng của cha mẹ là nền tảng gắn kết các con.

5 nguyên nhân khiến cha mẹ đối xử thiếu công bằng giữa các con

Cùng là một cha mẹ sinh ra và chịu sự giáo dục tương đối giống nhau nhưng vẫn có sự thiên vị giữa con lớn hay con bé. Cha mẹ hãy đối chiếu các nguyên nhân sau.

Thứ nhất: Do sự tương hợp tính cách giữa cha mẹ đối với một trong số các con.

Mỗi đứa trẻ đều có những tính cách riêng. Có tính cách của con tương đồng với cha mẹ. Cũng có nhiều nét tính cách không tương đồng. Những đứa trẻ có tính cách tương đồng với bố mẹ nhiều hơn thì thường có xu hướng muốn chia sẻ hơn và tạo tình cảm gắn bó với cha mẹ hơn. Còn những đứa trẻ có tính cách khác với cha mẹ sẽ tự động đẩy mình ra xa cha mẹ nếu cha mẹ không kịp thời quan tâm tới chúng.

Thứ hai: Do khoảng cách sinh hoạt.

Những đứa trẻ được lớn lên dưới sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, ngày ngày cận kề bên cha mẹ thì tình cảm gắn bó cũng nhiều hơn những đứa trẻ ở xa, đi học xa hoặc đang sống cùng ông bà.

Thứ ba: Do quan điểm sống

Con cái và bố mẹ không có chung quan điểm sống sẽ dễ phát sinh những bất hoà, khó khăn trong việc trò chuyện hay trao đổi công việc với nhau thường ngày.

Thứ tư: Do quan niệm trọng nam khinh nữ

Việt Nam là một trong những nước mà dân cư vẫn còn suy nghĩ trọng nam khinh nữ nên cha mẹ sẽ có thái độ phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, thiên vị con trai nhiều hơn con gái.

Thứ năm: Do thứ tự anh chị em.

Xu hướng của nhiều gia đình là bố mẹ thiên vị con cả và đứa con út nhiều hơn những đứa con ở giữa. Nếu gia đình có hai con thì đứa út sẽ được cưng chiều hơn.

Sự thiên vị của cha mẹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa các con từ nhỏ cho tới khi trưởng thành.

su-cong-bang-2.jpg
Ảnh minh hoạ.

Sáu bí quyết để cha mẹ không rơi vào tình trạng thiên vị con cái

Con trẻ rất dễ tổn thương khi đối mặt với sự thiên vị từ cha mẹ. Sự thiên vị này khiến chúng mặc định suy nghĩ là không được cha mẹ yêu thương, trong lòng này sinh sự căm phẫn, tức giận và có nhiều nguy cơ gặp vấn đề trầm cảm.

Nhiều đứa trẻ chịu sự thiên vị sẽ thường ganh tị, ghét bỏ chị/anh/em của mình. Mối quan hệ giữa chúng trở nên tiêu cực từ bé đến lớn.

Cha mẹ cần làm những việc sau để không bị rơi vào tình trạng đối xử không công bằng giữa các con.

Một là: Cha mẹ cần chú ý đặt lại các thứ tự ưu tiên đối với những đứa con, không bao giờ mặc định “trẻ nhỏ được ưu tiên hơn” hay “trẻ lớn phải nhường trẻ bé”. Điều này chỉ càng khơi lên lòng ghen tị giữa các con. Đứa trẻ được yêu chiều hơn sẽ trở nên kiêu căng hơn với đứa trẻ còn lại và luôn dẫn tới sự mâu thuẫn, cãi vã.

Hai là: Cha mẹ cần luôn lắng nghe tất cả các con. Khi con có những phàn nàn lẫn nhau hoặc xung đột, chúng sẽ cố lôi kéo cha mẹ bênh vực mình, nhưng lúc này, cha mẹ cần cố gắng kiềm chế cảm xúc, không được bênh bất cứ đứa nào và cũng không trách mắng chúng ngay. Cha mẹ hãy yêu cầu chúng ngồi xuống và tiếp thu cảm xúc, suy nghĩ của mỗi trẻ về các lý do, hướng dẫn chúng thương lượng hoặc lựa chọn các giải pháp mà cha mẹ đưa ra.

Ba là: Cha mẹ cần giải thích với các con trước khi đưa ra một quyết định ưu tiên đối với mỗi tình huống cụ thể. Hết tình huống đó, trật tự cần phải được lập lại như bình thường. Sự ưu tiên trong tình huống tương tự xảy ra với trẻ còn lại cũng cần phải được đối xử như trẻ đã được ưu tiên trước đó. Hành động này của cha mẹ giúp ích rất nhiều đối với việc giữ gìn sự công bằng trong gia đình.

Bốn là: Cha mẹ tuyệt đối đừng so sánh các con với nhau, nhất là so sánh hơn kém. Khi trẻ bị đặt vào tình huống so sánh, dù hơn hay kém thì cả hai đều có cảm xúc tiêu cực. Cha mẹ chỉ nên tập trung vào những gì mỗi trẻ làm tốt, đừng dùng cái tốt của đứa trẻ này để chỉ trích hoặc so sánh với đứa kia.

Năm là: Cha mẹ nên dành thời gian riêng cho từng trẻ. Hãy lần lượt dành 10 phút mỗi ngày cho riêng từng đứa trẻ để chúng cảm nhận được trọn vẹn sự quan tâm của cha mẹ dành cho chúng, mang lại cho chúng cảm giác yên tâm về tình thương và sự công bằng trong gia đình.

Sáu là: Cha mẹ hãy dạy các con hợp tác cùng nhau trong vui chơi, giải quyết vấn đề, quan trọng hơn là giải quyết xung đột xảy ra một cách có lợi ích cho cả đôi bên. Việc đưa chúng về chung mục đích hưởng lợi sẽ khiến chúng trở nên hợp tác với nhau và dễ thoả thuận hơn.

Cha mẹ cần ghi nhớ rằng sự quan tâm của cha mẹ dành cho mỗi đứa trẻ đều quan trọng như nhau. Chính việc cư xử công bằng của cha mẹ sẽ là nền tàng vững vàng để chúng gây dựng tình cảm gắn bó lâu dài sau này.

Bài liên quan
Trung Quốc: Tấn công bằng dao tại bệnh viện, 23 người thương vong
Vụ tấn công bằng dao tại một bệnh viện ở Vân Nam (Trung Quốc) đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 21 người bị thương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự công bằng là nền tảng gắn kết các con với nhau