Chuyện thầy Sùng A Trừ không phải là cá biệt. Trên mỗi miền rẻo cao, nơi xa xôi của Tổ quốc, vẫn còn đó những nhà giáo lặng thầm vượt qua bao khó khăn mỗi ngày để đưa trẻ tới trường, để gieo chữ với hy vọng tương lai trẻ vùng khó sẽ tươi sáng hơn. Trong mỗi câu chuyện của thầy cô, luôn đau đáu những ước mong cho học trò của mình, từ bữa cơm, chiếc chăn ấm đến việc làm sao các em có giờ học ứng dụng công nghệ xuyên quốc gia, biên giới; có thể thụ hưởng chất lượng học tập tốt nhất.
Để thầy cô vợi bớt khó khăn, vững tâm bám trụ gieo chữ ở vùng khó, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, rất cần sự chung sức, đồng hành của xã hội. Không chỉ Thiên Long, Danisa, những ngày này có rất, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động thiết thực hướng đến tôn vinh, tri ân và chăm lo cho nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo vùng khó khăn.
Trước thềm 20/11, một gia đình ở TPHCM cũng đã kịp bàn giao 2 nhà công vụ cho giáo viên Trường Mầm non và Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, thay cho căn nhà công vụ cũ đã xuống cấp do thiên tai lũ lụt. “Chúng tôi hy vọng các thầy cô giáo và học sinh sẽ vơi bớt khó khăn, thử thách trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức”, đại diện nhà tài trợ cho biết.
Thế mới biết cộng đồng, xã hội vẫn luôn trân trọng công lao, cùng hướng về và chia sẻ với gian khổ hy sinh của nhà giáo với mong muốn thầy cô có thêm nhiệt huyết trên con đường đã chọn. Sự đồng hành này thật sự quý giá. Mong rằng sẽ có nhiều hoạt động đồng hành hơn nữa, không phải chỉ riêng dịp 20/11, để góp phần chăm lo, biểu dương, tôn vinh các thầy cô, phát huy tinh thần chia sẻ của cộng đồng đến đội ngũ, nhất là những người gieo chữ nơi miền khó.