Sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để loại trừ văn bằng giả

Minh Phong | 09/09/2022, 17:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khai thác sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý văn bằng, chứng chỉ và trên cơ sở đó, loại trừ văn bằng, chứng chỉ giả.

Tuyên truyền, phòng ngừa là chính

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 đối với với công tác thi và quản lý chất lượng khối sở GD&ĐT, Thượng tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết, 2 Bộ đã ký thông tư liên tịch thực hiện nhiệm vụ, trong đó có nội dung liên quan đến công tác thi. “Quan điểm của chúng tôi là, lấy phòng ngừa, tuyên truyền là chính” – Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Ghi nhận những kết quả đã được được trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, lãnh đạo Bộ Công an đồng thời chia sẻ một số thách thức cần quan tâm để phòng ngừa trong công tác tổ chức kỳ thi:

Thứ nhất, nguy cơ sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh an toàn có thể hiện hữu, với diễn biến phức tạp.

Thứ hai, lợi dụng tồn tại, kẽ hở trong các khâu của kỳ thi, dẫn đến hành vi gian lận, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Thứ ba, tình trạng văn bằng, chứng chỉ giả có những diễn biến phức tạp, tác động đến thi và quản lý chất lượng.

“Theo chức năng nhiệm vụ, chúng tôi sẽ phối hợp, hỗ trợ để có giải pháp khắc phục những hạn chế” - Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để loại trừ văn bằng giả ảnh 1

Thượng tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 đối với với công tác thi và quản lý chất lượng khối sở GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị khai thác sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý văn bằng chứng chỉ…; loại trừ văn bằng, chứng chỉ giả. Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp thực hiện.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp để kịp thời tham mưu, trao đổi với Bộ GD&ĐT về những nguy cơ đe doạ an ninh, an toàn giáo dục nói chung, thi và quản lý chất lượng nói riêng. Qua đó, củng cố nền giáo dục vững mạnh, nhân bản, phát huy cao nhất phẩm chất năng lực của con người.

Giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trước đó, tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) – ghi nhận, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đáp ứng phần nào kỳ vọng của xã hội, giảm bớt áp lực về thi cử.

Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, việc đổi mới kỳ thi cần có thời gian, lộ trình và các bước đi cụ thể. Trong đó, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học.

Đồng thời, tham khảo mô hình thi tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi, đáp ứng đúng yêu cầu về chất lượng, số lượng để đánh giá đúng năng lực thí sinh.

Sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để loại trừ văn bằng giả ảnh 2

Thiếu tướng Trần Đình Chung tham luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 đối với với công tác thi và quản lý chất lượng khối sở GD&ĐT

Thiếu tướng Trần Đình Chung kiến nghị, giai đoạn 2023-2025 tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức thi như hiện nay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và sớm công bố rộng rãi, công khai phương án, cách thức tổ chức thi trong giai đoạn sau năm 2025.

Đối với Kỳ thi năm 2023, Thiếu tướng Trần Đình Chung đề nghị, Bộ GD&ĐT chỉ đạo đơn vị chức năng, phối hợp với A03 rà soát lại các quy định của Quy chế thi, văn bản hướng dẫn thi.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra đối sánh với kết quả học bạ với điểm thi thực tế của thí sinh để hạn chế tình trạng “bệnh thành tích”, buông lỏng trong công tác coi thi, chấm thi. Thanh tra, kiểm tra hồ sơ xét tuyển đầu vào đại học, cao đẳng của các cơ sở giáo dục đại học. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí cả về hình sự để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, thí sinh, phụ huynh và toàn thể xã hội nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an ninh, an toàn trong Kỳ thi.

Nghiên cứu các giải pháp về kĩ thuật phòng ngừa sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử. Phối hợp với đơn vị chức năng của ngành Công an, thí điểm sử dụng các thiết bị kiểm tra, phát hiện trường hợp thí sinh sử dụng công nghệ cao trong khi thi.

Chỉ đạo các sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an các đơn vị, địa phương trong triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi. Trao đổi thông tin liên quan một cách chủ động, đầy đủ, kịp thời, tránh để nảy sinh sai phạm dẫn đến phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để loại trừ văn bằng giả ảnh 3

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 đối với với công tác thi và quản lý chất lượng khối sở GD&ĐT

Thiếu tướng Trần Đình Chung nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa ngành Công an và Giáo dục trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng được tăng cường, hoàn thiện. Giữa 2 ngành có sự phân công, phối hợp chặt chẽ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra mất an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để loại trừ văn bằng giả