“Đây là việc đã tính toán hết rồi, đã được các nhà khoa học, chuyên gia tính toán phân tích kỹ lưỡng và được báo cáo qua rất nhiều kỳ họp, báo cáo Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước; qua rất nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan Trung ương thì không còn vị trí nào khác để thực hiện hồ Ka Pét này nữa. Việc thực hiện dự án hồ này rất cần thiết và được cơ quan Quốc hội thống nhất thông qua”, ông Sơn nói.
Nói về vị trí xây dựng hồ Ka Pét ảnh hưởng đến hàng trăm hecta rừng tự nhiên, ông Lê Thanh Sơn cho biết xung quanh rừng vẫn là rừng. “Chúng ta chỉ làm cái hồ ở diện tích đã chọn và không làm công trình nào khác. Khu vực rừng xung quanh vẫn được bảo tồn, phát triển tự nhiên”, ông Sơn khẳng định.
Sẽ có phương án để khai thác gỗ rừng
Theo vị Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, khi các thủ tục của dự án được Trung ương phê duyệt, phương án khai thác gỗ sẽ được lập, trình Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận thẩm định, phê duyệt.
Họp báo cung cấp thông tin dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét
Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự kiến sẽ tổ chức họp báo vào chiều 7/9 liên quan đến những thông tin liên quan dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét. Địa điểm họp báo diễn ra tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, số 4 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết. “Tại buổi họp báo chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ dự án hồ chứa nước Ka Pét, ý nghĩa của việc thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án”, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận nói và cho biết buổi họp báo sẽ có đại diện UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan.
Về trữ lượng gỗ, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, khu vực này bước đầu khi lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị tư vấn là Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ thuộc Bộ NN-PTNT đã từng bước khảo sát, ban đầu thì trữ lượng cũng không quá lớn.
Khu vực này từ năm 1983 đến năm 2002 được nhà nước cho phép khai thác. Theo đó, nơi đây là khu vực khai thác gỗ cung cấp cho thị trường. Do đó, nhiều cây gỗ quý, gỗ lớn đã được khai thác.
Do vậy, hiện nay những cây gỗ quý, lớn gần như không còn. Việc thống kê trữ lượng và chủng loại gỗ, sắp tới đây đơn vị tư vấn tiến hành thực hiện và phương án khai thác là phải đo đếm từng cây. Những cây có đường kính từ 10 cm trở lên phải được đo đếm thống kê từng cây và phải có đơn vị tư vấn xác định giá trị của các chủng loại gỗ.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cũng khẳng định, việc xây dựng hồ Ka Pét về nguyên tắc là tích nước tự nhiên, ngăn dòng chảy để nước dâng lên chứ không phải đào rừng lên để tạo thành cái hồ chứa nước.
Nói về việc trồng rừng thay thế, ông Lê Thanh Sơn cho hay: “Trồng rừng mới, theo quy định pháp luật thì khi chuyển 1ha rừng tự nhiên thì phải trồng lại 3 ha rừng trồng. Với hồ chứa nước Ka Pét này thì chúng ta phải thực hiện trồng hơn 1.844 ha rừng.
Hiện sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn để rà soát tất cả quỹ đất trống trên địa bàn toàn tỉnh đăng ký chuyển về sở. Từ đó, Sở giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh phúc tra lại hiện trạng, hiện trường như thế nào, có đảm bảo được tiêu chí trồng rừng hay không.
Sau khi đầy đủ các nội dung, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh từ đây đến năm 2025”.