Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng gây sốc với tuyên bố rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã “chết não”. Nhưng những ngày ông có thể tuyên bố mạnh mẽ tại diễn đàn quốc tế dường như không còn nhiều nữa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự thượng đỉnh NATO tại Washington, ngày 11/7. (Ảnh: Reuters)
Tại thượng đỉnh NATO ở Washington vừa qua, các đồng minh băn khoăn với câu hỏi, rằng Paris có thể đóng vai trò gì trong liên minh xuyên Đại Tây Dương trong những năm tới. Điều này càng làm tăng sự bất định mà NATO phải đối mặt, khi triển vọng Tổng thống Joe Biden có thể chiến thắng đối thủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay đang suy giảm nghiêm trọng.
“Chúng ta đều biết rằng, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chính sách đối ngoại bắt đầu từ trong nước. Nếu nhà của bạn đang gặp rắc rối, điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của bạn ở nước ngoài”, một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) nói với Reuters bên lề hội nghị.
Tại thượng đỉnh NATO, ông Macron tham gia một cách lặng lẽ và không tiếp xúc nhiều với báo chí. Trong một cuộc họp báo, ông nói đã trấn an các đồng minh, khiến họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội Pháp.
Sau hậu trường, Tổng thống Macron nỗ lực khẳng định rằng, kết quả cuộc bầu cử quốc hội hôm 7/7 tại Pháp không tồi tệ như dự đoán, vì cả phe cực hữu và cực tả đều không giành được đa số tuyệt đối.
Dù kết quả nào thì đây cũng sẽ là những thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính sách đối ngoại của ông Macron. Cuộc bầu cử khiến chính trường Pháp rơi vào tình trạng lấp lửng, khi cả ba phe đều không chiếm đa số và chưa biết chính phủ mới sẽ được thành lập bằng cách nào. |
“Tôi xác nhận với tất cả các đối tác và đồng minh rằng, Pháp sẽ tiếp tục các cam kết quốc tế ở châu Âu, ở liên minh và sự ủng hộ dành cho Ukraine vì các lực lượng chính trị tạo nên đa số trong Quốc hội Pháp ủng hộ điều đó”, ông Macron nói.
Ba quan chức châu Âu cho biết, ông Macron dành chủ yếu thời gian dự thượng đỉnh lần này với Hội đồng Đại Tây Dương – cơ quan hoạch định chính trị của NATO, để nhấn mạnh thông điệp của ông và tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với Ukraine.
Điều này trái ngược với 5 năm trước, vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO. Thời điểm đó, ông Macron trở thành tiêu điểm sau khi tuyên bố liên minh này đã “chết não” và kêu gọi NATO tỉnh giấc, sau thời gian dài liên minh này tập trung vào vấn đề ngân sách, thay vì các thách thức địa - chính trị.
Về công khai, các lãnh đạo khác trong NATO hạ thấp tính nghiêm trọng của tình trạng bế tắc chính trị ở Pháp hiện nay.
“Tìm giải pháp và cách thoát khỏi tình hình hiện nay tùy thuộc vào các chính trị gia Pháp", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với báo chí.
Các quan chức cho biết, Thủ tướng Đức đã nói đùa với ông Macron về khả năng sáng tạo trong hợp tác với liên minh, điều khiến nhà lãnh đạo Đức đau đầu và ông Macron sẽ phải học trong những tháng tới.
Với mong muốn thể hiện Paris vẫn tích cực trên trường quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu ký một thỏa thuận bên lề hội nghị lần này với người đồng cấp Đức, Ý và Ba Lan để phát triển năng lực tên lửa hành trình tầm xa. |
Tuy nhiên, tác động của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp thể hiện rõ tại hội nghị. Ông Macron là nhà lãnh đạo cuối cùng có mặt tại thượng đỉnh ở Washington và bỏ lỡ tiệc chiêu đãi kỷ niệm 75 năm. Ông cũng giảm thời gian chuyến đi xuống chỉ còn 36 giờ và hủy kế hoạch thăm Canada.
Ngoại trưởng Stephane Sejourne không tháp tùng ông trong chuyến đến Mỹ, mà ở nhà tập trung xử lý vấn đề trong nước.
Trong khi lãnh đạo các nước khác tích cực thể hiện tại hội nghị, ông Macron tránh phát biểu nhiều.
Một nhà ngoại giao Ukraine nói rằng Kiev và ông Macron đã tránh được “kịch bản tồi tệ nhất” sau cuộc bầu cử.
"Ông ấy có thể không còn quyền điều hành, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng có thể xoay xở được”, nhà ngoại giao nói.